Phòng bệnh cho trẻ đầu năm học mới

13:39, 23/08/2024

(VLO) Mùa tựu trường cũng là khi thời tiết thay đổi thất thường, thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển, lây lan nhanh và bùng phát thành dịch, đe dọa sức khỏe của trẻ.

Nên đưa đến các bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời nếu thấy trẻ có bất cứ dấu hiệu nào bất thường của bệnh.
Nên đưa đến các bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời nếu thấy trẻ có bất cứ dấu hiệu nào bất thường của bệnh.

Cảnh báo dịch bệnh mùa tựu trường

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều địa phương đã ghi nhận gia tăng các ca mắc bệnh sởi, ho gà và một số bệnh truyền nhiễm khác. So với cùng kỳ năm 2023, số mắc sởi tăng hơn 8 lần, số mắc ho gà tăng hơn 25 lần...

Với sự gia tăng của số ca mắc bệnh như trên, cùng với thời điểm học sinh cả nước đang bắt đầu bước vào năm học mới, nguy cơ số ca mắc các bệnh truyền nhiễm sẽ tiếp tục tăng, nhất là với một số bệnh truyền nhiễm như: sởi, ho gà, tay chân miệng (TCM) và một số bệnh lây truyền qua đường hô hấp.

Để chủ động công tác phòng, chống dịch trong mùa tựu trường, Bộ Y tế đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp chỉ đạo Sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở giáo dục trên cả nước chuẩn bị các điều kiện tốt nhất đảm bảo sức khỏe cho học sinh, sinh viên.

Theo đó, bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và đủ ánh sáng tại các cơ sở giáo dục, theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để kịp thời xử trí.

Hướng dẫn thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà bông với nước sạch. Tiêm ngừa vaccine đầy đủ cho trẻ em, học sinh.

Theo ngành y tế tỉnh Vĩnh Long, tình hình bệnh TCM trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm về số ca mắc, song thời gian tới bệnh có nguy cơ gia tăng, người dân không chủ quan trong việc phòng bệnh cho trẻ.

Tính đến giữa tháng 8, Vĩnh Long ghi nhận gần 650 ca mắc TCM, tương đương với cùng kỳ năm 2023. Song, theo khuyến cáo của ngành y tế, tháng 9 và tháng 10 là thời điểm bệnh TCM bùng phát mạnh do vào mùa tựu trường, bệnh dễ lây lan, đặc biệt ở những nơi tập trung đông trẻ tại trường mầm non.

Chủ động phòng bệnh cho trẻ

Theo BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi (BVĐK tỉnh Vĩnh Long), để phòng bệnh TCM cho trẻ, cả cha mẹ và trẻ phải hình thành thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà bông với nước sạch nhiều lần trong ngày, nhất là thời điểm trước khi chế biến thức ăn cho trẻ và sau khi đi vệ sinh, thay tã…

 

Cha mẹ không nên mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như ly, chén, đồ chơi.

Tuyệt đối không cho trẻ tiếp xúc với người bị TCM hoặc những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Với trẻ đang bị mắc TCM cần cách ly trẻ ở nhà 10 ngày, không nên đưa trẻ đến lớp hay nơi tụ tập đông người để phòng lây nhiễm sang các trẻ khác.

Đối với bệnh sốt xuất huyết, phụ huynh cần lưu ý trong cách phòng muỗi đốt cho trẻ khi ngồi học trên lớp, khi sinh hoạt tại nhà bằng cách mặc quần áo dài tay, sử dụng xịt đuổi muỗi xuất xứ tự nhiên, thoa thuốc chống muỗi an toàn cho trẻ, vệ sinh nhà cửa thông thoáng, diệt lăng quăng...

Tại buổi trực tuyến “Bệnh sởi: Hiểu để phòng và điều trị kịp thời” diễn ra vào chiều 21/8, BS.CK2 Dư Tuấn Quy- Trưởng Khoa Nhiễm- Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), cho biết bệnh sởi là bệnh lý truyền nhiễm có mức độ lây đứng hàng đầu trong tất cả những bệnh lý, trung bình 1 ca sởi có thể lây cho 12-18 người.

Sởi lây qua 2 con đường chính là trực tiếp và gián tiếp, trực tiếp giữa người lành với người bệnh, gián tiếp thông qua các vật dụng đồ chơi…

Hiện nay, mỗi ngày Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận 10-20 ca sởi đến bệnh viện khám ngoại trú, còn khu nội trú đang điều trị cho khoảng 30 trẻ. Đa số trẻ nằm điều trị đều có biến chứng viêm phổi.

“Đáng nói những ca nhập viện tại bệnh viện khi được hỏi hầu như không có ca nào tiêm ngừa, đây là điều rất đáng buồn. Nhiều phụ huynh quên đưa trẻ đi tiêm ngừa, một số bà mẹ chưa có nhìn nhận đầy đủ về bệnh sởi, vì sợ tác dụng phụ vaccine nên không đưa con đi tiêm”- BS Tuấn Quy thông tin.

Biến chứng của bệnh sởi rất nghiêm trọng, thời gian điều trị lâu từ 7-10 ngày dẫn đến tốn thời gian, chi phí điều trị trong khi chỉ cần tiêm đủ mũi vaccine là an tâm phòng bệnh. Vì vậy, BS Dư Tuấn Quy khuyên các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm vaccine ngừa bệnh sởi.

BS.CK2 Trần Thị Tuyết Mai khuyến cáo, ngoài việc chủ động tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch cho trẻ, phụ huynh nên chú ý bảo vệ sức khỏe con mình bằng cách tạo thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ, bổ sung vitamin C vào chế độ ăn giúp tăng sức đề kháng chống bệnh tật, tắm rửa cho trẻ sạch sẽ mỗi khi đi học về. Nếu thấy trẻ có bất cứ dấu hiệu nào bất thường của bệnh thì nên đưa đến các bác sĩ chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh