Hút thuốc lá 18 năm, người đàn ông bị đột quỵ ở tuổi 38

05:08, 07/08/2024

Thông tin từ BVĐK Quốc tế SIS Cần Thơ, một ngư dân 38 tuổi ở Cà Mau vừa được cấp cứu kịp thời và thoát khỏi "cửa tử" sau cơn đột quỵ (ĐQ) do thói quen hút thuốc lá (TL) trong suốt 18 năm.

(VLO) Thông tin từ BVĐK Quốc tế SIS Cần Thơ, một ngư dân 38 tuổi ở Cà Mau vừa được cấp cứu kịp thời và thoát khỏi “cửa tử” sau cơn đột quỵ (ĐQ) do thói quen hút thuốc lá (TL) trong suốt 18 năm.

BS.CK2 Phương Hồng Thọ- Phó Khoa Ngoại tổng hợp, thăm khám cho bệnh nhân X..
BS.CK2 Phương Hồng Thọ- Phó Khoa Ngoại tổng hợp, thăm khám cho bệnh nhân X..

Cụ thể, bệnh nhân (BN) X. được chuyển lên BVĐK Quốc tế SIS Cần Thơ trong tình trạng cơ thể suy yếu. Được biết, trong vòng 1 tháng gần đây, BN cảm thấy cơ thể mình dần xuất hiện các triệu chứng như tê một cánh tay kèm theo xây xẩm và mệt mỏi.

Sau đó, tình trạng sức khỏe của BN dần yếu hơn và được một người bà con hướng dẫn chuyển ngay đến BVĐK Quốc tế SIS Cần Thơ. Qua thăm khám, BN được chẩn đoán bị ĐQ do hút quá nhiều TL.

Qua khai thác bệnh sử, BN vốn là ngư dân rong ruổi khắp vùng biển Cà Mau từ năm 20 tuổi, BN thường sử dụng TL để làm ấm cơ thể, dần trở thành thói quen khó bỏ. Những ngày ở nhà, BN có thể hút đến 20 điếu thuốc, còn những lúc đi biển trời mưa gió lạnh, 1 ngày hút 40 điếu với BN là chuyện bình thường.

Với sự can thiệp kịp thời của đội ngũ y bác sĩ tại BVĐK Quốc tế SIS Cần Thơ giúp BN vượt qua cơn nguy kịch. Sau 1 tuần nằm viện theo dõi và điều trị, sức khỏe của BN hồi phục và xuất viện.

TS.BS Trần Chí Cường- Giám đốc chuyên môn BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ, cho biết: Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người bị ĐQ, trong đó ĐBSCL chiếm khoảng 15.000-20.000 người.

Rất nhiều trường hợp ĐQ dưới tuổi 40, phần lớn đều liên quan tới lối sống, thói quen sinh hoạt, một số do dị dạng mạch máu bẩm sinh.

Một yếu tố nguy cơ ĐQ đã được giới khoa học thế giới chứng minh đó là hút TL. TL không chỉ là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư, TL gây ĐQ còn kinh khủng hơn. Bởi việc hút TL có thể khiến mạch máu bị tắc nghẽn, xơ chai và hình thành cục máu đông dễ dàng.

“Phần lớn những trường hợp ĐQ trẻ là do lối sống sinh hoạt không lành mạnh, chẳng hạn như thường xuyên căng thẳng, stress, uống rượu bia, đặc biệt là hút TL, những người có thời gian sử dụng 20 năm.

Đối với những người hút TL, chỗ nào có mạch máu thì chỗ đó sẽ bị viêm, ví dụ như mạch vành, mạch máu chi, mạch máu toàn cơ thể nói chung.

Do đó, nếu hút TL càng nhiều, chỗ nào có mạch máu thì chỗ đó đều có thể bị xơ cứng”- TS.BS Trần Chí Cường nhấn mạnh. Ngoài ra, tăng huyết áp ở người trẻ cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây ĐQ.

Để giảm thiểu nguy cơ bị ĐQ, TS.BS Trần Chí Cường khuyên mọi người là từ bỏ thói quen xấu. “Rượu bia, TL vẫn là yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến ĐQ, đặc biệt là hút TL khi còn trẻ. Kế đến là bệnh lý tăng huyết áp.

Người dân cần quan tâm theo dõi huyết áp vì huyết áp tăng cao là nguyên nhân hàng đầu gây xuất huyết não. Cần tầm soát sớm khi có dấu hiệu nhức đầu, đau đầu, đau nửa đầu kéo dài để phát hiện can thiệp kịp thời. ĐQ không loại trừ ai, thực tế hiện nay người trẻ bị rất nhiều”- BS Trần Chí Cường nhấn mạnh.

Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh