Hiện nay, thực phẩm chế biến sẵn hiện hữu trong bữa cơm của nhiều gia đình. Theo các chuyên gia, đây là xu thế tiêu dùng trong xã hội hiện đại, vì vậy việc hiểu đúng, sử dụng hợp lý loại thực phẩm này rất cần thiết.
Hiện nay, thực phẩm chế biến sẵn hiện hữu trong bữa cơm của nhiều gia đình. Theo các chuyên gia, đây là xu thế tiêu dùng trong xã hội hiện đại, vì vậy việc hiểu đúng, sử dụng hợp lý loại thực phẩm này rất cần thiết.
Nhu cầu sử dụng thực phẩm chế biến sẵn giàu dinh dưỡng ngày càng phổ biến. Ảnh: VGP/HM |
Dinh dưỡng lành mạnh hàng ngày
Tại Hội thảo chuyên đề "Dinh dưỡng lành mạnh - Hiểu đúng về thực phẩm chế biến sẵn" vừa mới diễn ra, trao đổi với phóng viên, TS.BS Bùi Thị Mai Hương, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, thực phẩm chế biến sẵn cũng như thực phẩm tươi sống rất đa dạng.
Để có chế độ ăn hợp lý, lành mạnh, đảm bảo sức khỏe, TS Mai Hương khuyến cáo người dân cần ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm và đảm bảo đủ 4 nhóm gồm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng.
Theo chuyên gia Mai Hương, không một loại thực phẩm nào có thể cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cho nhu cầu của cơ thể. Vì vậy, mỗi người cần phối hợp ăn nhiều loại thực phẩm và thường xuyên thay đổi món ăn để cung cấp đủ các chất dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng phức tạp của cơ thể.
Mỗi ngày, mỗi người cần ăn tối thiểu 15 loại thực phẩm đại diện từ 4 nhóm gồm: chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và muối khoáng.
TS Mai Hương lấy dẫn chứng, đạm động vật có nhiều axit amin cần thiết không thay thế được ở tỷ lệ cân đối, vì vậy nó có giá trị sinh học cao. Thức ăn giàu đạm động vật gồm: thịt, trứng, cá, sữa, tôm, cua, ếch và các loại thuỷ sản. Các thức ăn thực vật giàu đạm như các loại đậu đỗ thường có ít hoặc không có cholesterol.
Tôm, cua, cá là nguồn chất đạm quý, có đủ các axit amin cần thiết. Mỡ cá có nhiều vitamin A, D, nhiều axit béo chưa no cần thiết và ít cholesterol. Cá, nhất là cá biển có nhiều chất khoáng quan trọng. Mỗi tuần nên ăn từ 2 - 3 bữa cá.
Đối với nhu cầu muối của cơ thể, chuyên gia này cho rằng, mỗi ngày mỗi người chỉ cần dưới 5 gram. Tuy nhiên, người dân Việt Nam đang tiêu thụ lượng muối cao so với nhu cầu cần thiết. Việc ăn quá mặn dễ dẫn đến nguy cơ tăng huyết áp, các bệnh về thận và có thể dẫn đến các nguy cơ như ung thư dạ dày, loãng xương, hen suyễn…
Đặc biệt, theo tháp dinh dưỡng hiện nay, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mỗi người cần uống đủ lượng nước sạch mỗi ngày, tăng cường hoạt động thể lực, không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, nước có gas và ăn, uống đồ ngọt.
Thực phẩm chế biến sẵn có đủ dinh dưỡng?
Bên cạnh các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến sẵn, đóng gói đang hiện hữu ngày càng nhiều trong bữa ăn của không ít gia đình người Việt vì sự tiện lợi, mùi vị, hình ảnh bắt mắt…
Các chuyên gia dinh dưỡng nhận định, thực phẩm chế biến sẽ là xu hướng của xã hội hiện đại trong tương lai.
Tuy nhiên, hiện nay, người tiêu dùng thực phẩm chế biến sẵn luôn thường trực một mối lo về hàm lượng dinh dưỡng có trong loại thực phẩm này.
Theo TS Mai Hương, hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm chế biến sẵn chắc chắn có sự thay đổi trong quá trình chế biến và bảo quản. Cụ thể, hàm lượng này sẽ giảm so với nguyên liệu thô ban đầu.
Một ví dụ đơn giản, những thực phẩm có chứa vitamin A, C, chỉ cần để ngoài ánh sáng cũng có thể làm hao hụt các vitamin này, quá trình ra nhiệt (lấy thực phẩm từ nhiệt độ lạnh ra ngoài) cũng làm hao hụt hàm lượng vitamin A, C.
"Bên cạnh cách chế biến thì hàm lượng các chất dinh dưỡng cũng sẽ mất dần theo thời gian bảo quản", TS Mai Hương chia sẻ.
Tuy nhiên, với công ty sản xuất thực phẩm chế biến sẵn, họ có thời gian đánh giá, theo dõi hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm sau khi chế biến, để từ đó công bố thời gian bảo quản, sử dụng cùng với hàm lượng dinh dưỡng.
Nghĩa là người tiêu dùng hoàn toàn có thể nhận biết được hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm mình lựa chọn trên bao bì của sản phẩm, nếu thực phẩm chế biến sẵn đó được bảo quản theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Còn nếu sản phẩm đã mở thì thời hạn sử dụng sẽ không kéo dài như trên nhãn bao bì, kể cả với sản phẩm đông lạnh kỹ, chưa rã đông. Các chuyên gia khuyến cáo, đối với các sản phẩm đã mở chỉ nên sử dụng trong 1 tuần sau khi mở.
Thói quen rã đông, tái cấp đông thực phẩm làm giảm dinh dưỡng
Hiện nay, nhiều gia đình có thói quen rã đông thực phẩm bằng cách để ở ngoài không khí thường, cho vào nước, cho vào lò vi sóng…
TS Mai Hương cho rằng, tất cả các quá trình rã đông này đều có nguy cơ để các vi sinh vật phát triển rất mạnh trong thực phẩm đó. Vì vậy, không nên tái cấp đông sau khi đã rã đông thực phẩm.
"Sau khi rã đông, thực phẩm không được ủ đông nhanh ngay sau đó, sẽ làm mất nước và biến tính về mặt dinh dưỡng, tức là thực phẩm không còn hàm lượng dinh dưỡng như lúc đầu".
Đối với việc cấp đông thực phẩm tại gia đình, TS Mai khuyến cáo, sau khi mua thực phẩm về, người dân nên sơ chế theo định lượng ăn hàng ngày, không cấp đông cùng loạt rồi rã đông tất cả cùng lúc, sau đó tái cấp đông.
Người dùng có thể ghi ngày cấp đông các loại thực phẩm để dễ nhận diện những thức ăn nào cấp đông trước thì ăn trước, cấp đông sau thì ăn sau.
Theo Hiền Minh/Báo điện tử Chính phủ