Phát hiện can thiệp sớm các dị tật ở trẻ

05:06, 27/06/2024

Tại hội thảo "Sàng lọc (SL), chẩn đoán trước sinh (TS) và sơ sinh (SS)" khu vực ĐBSCL, ông Lê Thanh Dũng- Cục trưởng Cục Dân số, thuộc Bộ Y tế, cho rằng phải tuyên truyền vận động để tất cả các cặp vợ chồng nghĩ đến SL khi mang thai.

(VLO) Tại hội thảo “Sàng lọc (SL), chẩn đoán trước sinh (TS) và sơ sinh (SS)” khu vực ĐBSCL, ông Lê Thanh Dũng- Cục trưởng Cục Dân số, thuộc Bộ Y tế, cho rằng phải tuyên truyền vận động để tất cả các cặp vợ chồng nghĩ đến SL khi mang thai.

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là giải pháp phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi, trẻ sơ sinh.
Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là giải pháp phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi, trẻ sơ sinh.

Sàng lọc để phát hiện can thiệp sớm các dị tật

Ông Lê Thanh Dũng cho hay, chương trình SL TS và SS được Bộ Y tế giao Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (nay là Cục Dân số) bắt đầu triển khai từ năm 2007 với mục tiêu SL phát hiện can thiệp sớm các dị tật, dị dạng thai nhi thông qua SL TS cùng với phát hiện và điều trị sớm các bệnh chuyển hóa di truyền thông qua SL SS.

Đề án được triển khai đã đem lại nhiều kết quả quan trọng, thiết lập mạng lưới SL TS và từ Trung ương đến tuyến xã ở 63 tỉnh, thành phố đáp ứng được nhu cầu về SL chẩn đoán TS và SS.

Trung tâm SL- Chẩn đoán TS và SS Cần Thơ được thành lập từ năm 2013 để giảm tải cho Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh. Đến năm 2015, trung tâm được mở rộng phát triển chính thức thành trung tâm khu vực phụ trách nhiệm vụ SL TS và SS cho 12 tỉnh ĐBSCL.

BS.CK2 Nguyễn Hữu Dự- Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, cho hay, kết quả SL từ năm 2013-2023 tại trung tâm, tổng số thai phụ được SL TS tại Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ và 12 tỉnh nằm trong dự án là 83.626 thai phụ, đạt tỷ lệ trên 66% số thai phụ được SL TS.

Trong đó, nhiều tỉnh thành như: Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long đạt tỷ lệ cao trên 75%.

Qua SL TS đã phát hiện 2.461 trường hợp thai kỳ bất thường (chiếm 1,5-2,2%) số thai phụ SL; chấm dứt thai kỳ 819 trường hợp dị tật nặng, chủ yếu là 4 bệnh phổ biến: hội chứng down, hội chứng patau, hội chứng edward, bệnh thalassemia.

Riêng SL SS, từ năm 2013-2023 có 443.094 trẻ được SL SS tại bệnh viện và 12 tỉnh trong dự án đạt tỷ lệ 70% so với tổng số trẻ ra đời, SL 5 bệnh ở trẻ SS.

Các địa phương: TP Cần Thơ, An Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long đạt tỷ lệ SL trên 78%.

Qua SL SS đã phát hiện 3.486 trẻ mắc bệnh, trong đó nhiều nhất là bệnh thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, suy giáp trạng bẩm sinh, điếc bẩm sinh, tim bẩm sinh… Các bệnh lý ở trẻ SS phát hiện qua SL SS đã được phối hợp điều trị kịp thời.

Cần sàng lọc 9 bệnh trước sinh và sơ sinh cho trẻ

Để đạt những kết quả đáng ghi nhận trên, BS.CK2 Nguyễn Hữu Dự cho biết hàng năm trung tâm đã thực hiện công tác giám sát, mở các lớp đào tạo, tập huấn về xét nghiệm, siêu âm, chọc ối, tư vấn tiền sản, SL TS và SS và cập nhật kiến thức cán bộ y tế tỉnh nằm trong dự án.

Sau 12 năm, trung tâm đã mở 42 lớp với 2.591 cán bộ y tế trong đó có 520 bác sĩ, 2.071 điều dưỡng, hộ sinh tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 100% đến tất cả tuyến phường xã, quận huyện và tỉnh thành.

Theo ông Lê Thanh Dũng- Cục trưởng Cục Dân số thuộc Bộ Y tế, phải tuyên truyền vận động để tất cả các cặp vợ chồng nghĩ đến SL khi mang thai.

“Phải làm sao tăng tỷ lệ SL TS, chẩn đoán SS đối với thai phụ vùng ĐBSCL, nhất là đối với các bệnh lý bẩm sinh phổ biến ở thai nhi và trẻ SS; các tỉnh cần nghiên cứu để đưa vào chính sách dân số của địa phương hỗ trợ các cặp vợ chồng thực hiện SL.

Có như vậy mới tăng chất lượng dân số, cải thiện giống nòi và làm giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội…” -
Cục trưởng Cục Dân số nói.

Năm 2024 là năm quyết liệt để thực hiện Quyết định số 3845/QĐ-BYT ngày 11/8/2021 của Bộ Y tế ban hành danh mục một số bệnh tật bẩm sinh được tầm soát và chẩn đoán, điều trị TS và SS thuộc gói dịch vụ cơ bản gồm 9 bệnh (4 bệnh TS và 5 bệnh SS).

BS.CK2 Nguyễn Hữu Dự nhấn mạnh, các tỉnh thành ĐBSCL bắt buộc tập trung nguồn lực và thiết bị để triển khai đồng bộ các kỹ thuật này theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế, đặc biệt là các tỉnh đã có bệnh viện sản nhi và bệnh viện phụ sản.

Trung tâm SL- Chẩn đoán TS và SS Cần Thơ sẽ giúp các tỉnh đào tạo chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật và kiểm tra giám sát, đánh giá thực hiện báo cáo Bộ Y tế.

Theo bà Phạm Thị Thuận- Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Vĩnh Long, 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có hơn 5.300 trẻ em được sinh ra, tăng hơn 800 trẻ so với cùng kỳ;
có trên 62% thai phụ được SL TS, hơn 50% trẻ được khám SL SS.

Tại các buổi truyền thông do Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình tỉnh phối hợp với trung tâm y tế tổ chức, chị em trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai đã được cung cấp những kiến thức về lợi ích của SL TS và SS; những điều cần biết về dị tật bẩm sinh, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đối với dị tật bẩm sinh và phòng tránh dị tật bẩm sinh; những lưu ý về chế độ ăn uống hợp lý trong quá trình mang thai…

Qua đó, chủ động phát hiện, can thiệp và điều trị sớm các bệnh, tật, các rối loạn chuyển hóa, di truyền ngay trong giai đoạn bào thai, lúc SS, giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề về thể chất và trí tuệ, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh