Tránh ngã quỵ trên đường chạy

10:04, 22/04/2024

Liên tiếp nhiều giải chạy bộ được tổ chức thu hút đông người tham gia. Ngoài những lợi ích ai cũng thấy được, đã có những sự cố ngoài ý muốn như có những trường hợp bị kiệt sức...

 

Liên tiếp nhiều giải chạy bộ được tổ chức thu hút đông người tham gia. Ngoài những lợi ích ai cũng thấy được, đã có những sự cố ngoài ý muốn như có những trường hợp bị kiệt sức...

Các vận động viên tham gia giải chạy ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Các vận động viên tham gia giải chạy ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Họ ngưng tim, thậm chí tử vong trên đường chạy. Vậy làm thế nào để hạn chế được những sự cố này?

Mới tuần trước, một nam thanh niên tham gia giải chạy bộ mới 34 tuổi đã bị ngã gục ở 100m trước vạch đích giải chạy Tây Hồ. Mặc dù đã được đội ngũ y tế cấp cứu kịp thời và sau đó nhanh chóng chuyển đến bệnh viện chuyên khoa nhưng kết quả không khả quan, cuối cùng vận động viên này đã tử vong.

Không phải ai cũng có thể chạy

Bác sĩ Nguyễn Thái Yên - phó trưởng khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM - khẳng định không phải ai cũng có thể tham gia môn thể thao được xếp vào nhóm cần gắng sức này.

Những người tham gia chạy bộ, đặc biệt các giải chạy với những cự ly dài như 21km và 42km, cần được kiểm tra sức khỏe trước khi tham gia để hạn chế những sự cố trong khi chạy như kiệt sức, ngưng tim, thậm chí tử vong.

Theo bác sĩ Thái Yên, trường hợp vận động viên đang chạy mà đột ngột quỵ xuống rồi tử vong được gọi chung là đột tử do tim.

Nếu xảy ra ở những vận động viên trẻ tuổi dưới 20 tuổi thì nguyên nhân thường gặp là rối loạn nhịp nhanh thất, rung thất do tăng tiết catecholamine quá mức sau gắng sức.

Còn ở những vận động viên lớn tuổi hơn thì nguyên nhân hàng đầu là nhồi máu cơ tim cấp, rối loạn nhịp do bệnh nhân có bệnh cơ tim giãn nở hoặc bệnh cơ tim phì đại.

Theo các hiệp hội thể thao, môn chạy bộ được coi là một hoạt động thể lực gắng sức mà không phải ai cũng có thể tham gia được.

Ngoài những bệnh nhân bị thoái hóa khớp gối hay bị suy giảm tĩnh mạch nặng làm hạn chế vận động không thể tham gia môn thể thao này thì những bệnh nhân bị bệnh mạch vành, bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim giãn nở cũng không nên chạy bộ hay tham gia các giải đấu.

Những người mắc các căn bệnh này khi chưa được điều trị chỉ nên tham gia tập luyện ở mức độ nhẹ nhàng hơn như đi bộ, đi bộ nhanh...

"Nên chạy vào thời gian nào trong ngày là tốt nhất?" là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Các hiệp hội điền kinh thế giới ghi nhận thời gian để tập luyện chạy tốt nhất trong ngày là vào cuối buổi chiều, khoảng từ 5h đến 7h tối. Vì trong thời điểm này, nhiệt độ của cơ thể tăng lên cao nhất.

Lúc đó, tất cả các cơ quan của cơ thể được co giãn ở mức tối đa nên khi tập chạy ở thời điểm này sẽ giảm thiểu khả năng bị chấn thương.

Tuy nhiên, trong thực tế không phải ai cũng có thể tập chạy được trong khung giờ này cho nên vẫn có thể thay đổi giờ tập chạy tùy theo công việc, thói quen của người đó.

Nhiều vận động viên ghi nhận chạy vào buổi sáng tốt hơn buổi chiều vì dễ tuân thủ được việc tập luyện thường xuyên hơn là buổi chiều.

Bác sĩ Thái Yên cho rằng "khung giờ tập luyện chạy bộ tốt nhất của mỗi người là khoảng thời gian người đó có thể duy trì được việc tập luyện thường xuyên".

Vậy có cần phải đi kiểm tra sức khỏe trước khi tập luyện hay không? Theo khuyến cáo của Hiệp hội Thể thao và Hội Tim mạch châu Âu, những người có nguy cơ bệnh tim mạch thấp (thang điểm SCORE < 5%) thì không cần thăm khám chuyên sâu trước khi tham gia tập luyện hay thi đấu các giải chạy.

Ngược lại, những người có nguy cơ bệnh tim mạch cao hay rất cao (thang điểm SCORE 5%) cần được thăm khám chuyên khoa tim mạch trước khi quyết định tham gia chạy bộ hay các môn thể thao đòi hỏi gắng sức cao khác.

Những dấu hiệu cảnh báo

"Trước khi người tham gia chạy bị quỵ xuống, đột tử đều có những dấu hiệu cảnh báo trước" - bác sĩ Thái Yên cho hay.

Khi đang chạy mà người tham gia chạy thấy tim đập nhanh, mạnh kèm cảm giác hụt hơi hoặc có những cơn đau ngực thì cần ngưng chạy và cần trợ giúp của đội ngũ y tế. Đây là những dấu hiệu sớm của rối loạn nhịp, nhồi máu cơ tim cấp có thể dẫn đến đột tử nếu tiếp tục gắng sức.

Tại các giải chạy cần có một đội cấp cứu chuyên nghiệp gồm bác sĩ tim mạch, bác sĩ được đào tạo về hồi sức cấp cứu có kinh nghiệm lâu năm và các phương tiện cấp cứu, để nếu có sự cố gì người tham gia chạy sẽ được sơ cấp cứu kịp thời.

Chạy bộ là một môn thể thao được xếp vào hoạt động gắng sức cao. Do vậy với những người dân chọn môn chạy bộ là môn tập luyện thì nên chạy từ chậm đến nhanh dần, quãng đường tăng dần và cần chạy cùng người đã có kinh nghiệm chạy bộ để được hướng dẫn đúng cách. Mỗi người cần quan sát, theo dõi xem mình dừng ở ngưỡng nào thì phù hợp để tập luyện, duy trì sức khỏe.

Những vận động viên mới tham gia các giải chạy nên đăng ký các cự ly ngắn trước để làm quen dần, nên tập chạy cùng với những vận động viên đàn anh để xem khả năng mình có thể hoàn thành được quãng đường đăng ký hay không.

Chạy bao nhiêu là vừa sức?

Các chuyên gia khuyến nghị một người bình thường để duy trì sức khỏe có thể tập chạy từ 150 phút đến 300 phút mỗi tuần. Do vậy không cần phải tập liên tục mà có thể chia nhỏ ra thành nhiều chu kỳ tập. Có thể chạy 10 phút, sau đó nghỉ và tiếp tục tập 10 phút. Cố gắng duy trì mỗi ngày tập được ít nhất 30 phút.

Theo THÙY DƯƠNG/Báo điện tử Tuổi trẻ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh