Theo BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ, trong những ngày nắng nóng vừa qua, số ca đột quỵ mà bệnh viện tiếp nhận và điều trị tăng cao.
(VLO) Theo BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ, trong những ngày nắng nóng vừa qua, số ca đột quỵ mà bệnh viện tiếp nhận và điều trị tăng cao.
Bác sĩ khuyến cáo, đối với những người có tiền sử đột quỵ thì phải hết sức cẩn thận, hạn chế đi ra ngoài vào thời điểm nắng gắt. |
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2024, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 1.581 ca đột quỵ, tăng gần 500 ca so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo TS.BS Trần Chí Cường- Giám đốc chuyên môn BVĐK Quốc tế S.I.S Cần Thơ, trong mùa nắng nóng đỉnh điểm, người dân nên cẩn thận, đặc biệt đối với người có đặc thù công việc là phải làm việc ở ngoài trời, ít cây xanh. Vì đây là thời điểm dễ gây ra các bệnh về hô hấp, phát ban, kiệt sức do nắng nóng, thậm chí là đột quỵ.
Lý giải về việc trời nắng nóng có thể gia tăng đột quỵ, TS.BS Trần Chí Cường cho biết: “Khi nhiệt độ tăng cao, cơ thể sẽ đổ mồ hôi nhiều hơn để tự làm mát cho cơ thể, từ đó khiến mất nước nhiều hơn, làm cho thể tích lòng mạch giảm đi, máu trở nên cô đặc hơn, dễ hình thành cục máu đông và làm mạch máu nhỏ dễ bị tắc, gây ra đột quỵ”.
TS.BS Trần Chí Cường khuyến cáo người dân: Khi ra đường cần che chắn kỹ lưỡng như mặc áo chống nắng, đội nón… quan trọng là phải cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể, trung bình mỗi người có thể uống từ 1.5-2 lít nước mỗi ngày.
Với những người có tiền sử đột quỵ thì phải hết sức cẩn thận, hạn chế đi ra ngoài vào thời điểm nắng gắt như giữa trưa và đầu giờ chiều.
Nếu buộc phải đi ra ngoài thì nên che chắn cẩn thận, mang nước theo uống, kiểm tra huyết áp thường xuyên, tránh cơn tăng huyết áp đột ngột và cả những cơn tụt huyết áp khi lượng mồ hôi ra quá nhiều.
Tin, ảnh: THÚY QUYÊN