Đó là chủ đề dễ nhớ của Ngày thế giới phòng chống Lao của Việt Nam năm 2024, như một lời khẳng định, thể hiện quyết tâm cao của cả mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao. Nhiều năm qua, ngành y tế Vĩnh Long đang cùng cả nước nỗ lực khống chế, xóa bỏ bệnh lao, góp phần cải thiện sức khỏe cho người dân.
(VLO) Đó là chủ đề dễ nhớ của Ngày thế giới phòng chống Lao của Việt Nam năm 2024, như một lời khẳng định, thể hiện quyết tâm cao của cả mọi tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến đẩy lùi bệnh lao. Nhiều năm qua, ngành y tế Vĩnh Long đang cùng cả nước nỗ lực khống chế, xóa bỏ bệnh lao, góp phần cải thiện sức khỏe cho người dân.
Việc tổ chức khám sàng lọc là giải pháp cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của bệnh lao ở cộng đồng tại Vĩnh Long. |
Chiến lược 2X chủ động phát hiện sớm bệnh nhân lao
Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu. Đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Năm 2023, ước tính số liệu Việt Nam năm 2022 có thêm 172.000 người mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao.
Tại Vĩnh Long, BS.CK2 Huỳnh Thị Mỹ Tiên-Trưởng phòng Kế hoạch tài chính- chỉ đạo tuyến và điều dưỡng Bệnh viện Phổi tỉnh thông tin, năm 2023 Vĩnh Long phát hiện trên 4.560 trường hợp mắc bệnh lao.
Trong số này có trên 1.858 bệnh nhân (BN) lao mới, 65 BN lao kháng thuốc, 2.639 ca lao tiềm ẩn được ngành y tế tỉnh đưa vào quản lý điều trị trong năm 2023. Đây là kết quả của việc triển khai khám sàng lọc lao tại cộng đồng và khám thường quy tại các cơ sở y tế.
Để góp phần hoàn thành mục tiêu chung là chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, ngoài việc triển khai công tác khám sàng lọc cộng đồng định kỳ đối với những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao, ngành y tế Vĩnh Long đã thiết lập hệ thống phòng, chống lao với sự phối kết hợp chặt chẽ từ y tế tuyến tỉnh đến tuyến xã, giữa y tế công với y tế tư nhân trên địa bàn.
Ngoài ra, ngành y tế còn triển khai chiến lược 2X - chẩn đoán bệnh lao bằng phương pháp chụp X-quang ngực và xét nghiệm Gene X-pert. Đồng thời tổ chức khám chủ động cho người dân. Chiến lược 2X sẽ đem lại lợi ích vô cùng lớn đối với người bệnh và cộng đồng.
“Chiến lược 2X có hiệu quả phát hiện lao và lao tiềm ẩn tại cơ sở y tế và động đồng, đặc biệt ở nhóm người nguy cơ cao như người cao tuổi, người hút thuốc, BN tiểu đường, BN có tiền sử điều trị lao và người tiếp xúc hộ gia đình.
Người dân sẽ được các y, bác sĩ thăm khám các bệnh về lao, phổi như: nghe tim phổi, lấy mẫu xét nghiệm đàm, chụp X-Quang phổi... Khi phát hiện có bệnh sẽ lấy đàm xét nghiệm Gene X-pert và có kết quả dương tính, BN sẽ được điều trị ngay theo hướng dẫn và phác đồ của Bộ Y tế”-BS Mỹ Tiên cho biết.
Nhân viên Trạm Y tế thị trấn Long Hồ trực tiếp đến nhà vận động bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị lao. |
Hoạt động tầm soát lao ở cộng đồng được các địa phương cho là đem lại hiệu quả cao thời gian qua.
BS.CK1 Lê Thị Ngọc Bích- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Hồ, cho biết: “Việc phát hiện sớm bệnh sẽ giúp BN điều trị hiệu quả tốt nhất, giảm lây nhiễm cho người thân của mình, giảm di chứng, giảm nguồn lây bệnh, từ đó sẽ giảm nhanh số người mắc lao mới”.
Duy trì tỷ lệ điều trị khỏi bệnh trên 95%
Lao là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn lao lây theo đường không khí, nên mọi người, mọi lứa tuổi, thành phần trong xã hội đều có thể mắc lao.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Phổi tỉnh, không ít BN khi có các triệu chứng mắc lao giấu bệnh, không thực hiện các biện pháp phòng tránh khi mắc bệnh và tự ý chẩn đoán, tự ý mua thuốc uống khiến bệnh tình ngày càng nặng và sự lây lan ra cộng đồng càng cao.
Không ít người bệnh điều trị được 1, 2 tháng, thấy cơ thể khỏe hơn đã bỏ giữa chừng, không tiếp tục uống thuốc, điều trị theo đúng phác đồ... khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn và khi phát tác rất khó điều trị.
Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lao mới ở Bệnh viện Phổi tỉnh đạt trên 95% |
Để khống chế hiệu quả bệnh lao, việc phát hiện sớm và quản lý người mắc lao trong cộng đồng đóng vai trò hết sức quan trọng. 100% Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn Vĩnh Long đều tham gia theo dõi, giám sát, quản lý, điều trị BN mắc lao tại cộng đồng khi chuyển về địa phương.
“Các trường hợp mắc lao được nhân viên y tế thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cữ, đúng liều để BN điều trị đúng theo phác đồ. Các biện pháp phòng bệnh bảo vệ sức khỏe cho người thân và cộng đồng”- Trưởng Trạm Y tế thị trấn Long Hồ- Lê Thị Ngọc Ngân cho biết.
Chị N.T.X. (thị trấn Long Hồ) cho biết: “Tui bị bệnh lao nên nhân viên y tế đến tận nhà nhắc nhở, hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cữ, đúng liều và các biện pháp phòng bệnh, vật dụng cá nhân của tui đều dùng riêng, để riêng để tránh lây nhiễm cho người trong nhà.
Tui đeo khẩu trang, không ho, khạc đờm bừa bãi; tránh tiếp xúc, hôn hít các con cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn. Các con được cho uống thuốc dự phòng theo hướng dẫn bác sĩ và cả nhà đều được tầm soát lao”.
BS.CK2 Huỳnh Thị Mỹ Tiên khẳng định: Bệnh lao hoàn toàn có thể phòng tránh được, đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm phòng vaccine BCG cho trẻ em dưới 1 tháng tuổi. Đồng thời, giữ vệ sinh môi trường, nhà ở thông thoáng; rèn luyện nâng cao sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.
Bệnh lao hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh cần tới ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, đúng phác đồ và tránh lây lan cho cộng đồng. Nếu phát hiện trễ, điều trị không đúng dễ thất bại, hoặc dẫn tới tình trạng kháng thuốc rất nguy hiểm cho BN và cho cộng đồng.
“Hiện nay, tỷ lệ điều trị khỏi bệnh lao mới ở Bệnh viện Phổi tỉnh đạt trên 95%. Song, mấu chốt trong điều trị lao không chỉ là phát hiện bệnh sớm, điều trị, theo dõi đúng, mà còn là nhận thức của người bệnh và cộng đồng. Để người mắc lao không còn mặc cảm, rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ trước hết từ những người xung quanh và cộng đồng, đây cũng là cách góp phần quan trọng chấm dứt bệnh lao ở Việt Nam nói chung và Vĩnh Long nói riêng”-BS.CK 2 Huỳnh Thị Mỹ Tiên cho biết. |
Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG