Vì sao người gầy nhom vẫn bị mỡ máu?

03:12, 19/12/2023

Rất nhiều người cho rằng chỉ những ai dư cân, béo phì mới bị nhiễm mỡ máu, thế nhưng đây là cách nghĩ sai. Thực tế hiện nay tình trạng mỡ máu khá phổ biến, bệnh xảy ra ở cả người béo phì và người gầy.

 

 

Rất nhiều người cho rằng chỉ những ai dư cân, béo phì mới bị nhiễm mỡ máu, thế nhưng đây là cách nghĩ sai. Thực tế hiện nay tình trạng mỡ máu khá phổ biến, bệnh xảy ra ở cả người béo phì và người gầy.

 

Thể dục thể thao đều đặn hằng ngày giúp phòng ngừa được bệnh mỡ máu - Ảnh: NAM TRẦN
Thể dục thể thao đều đặn hằng ngày giúp phòng ngừa được bệnh mỡ máu - Ảnh: NAM TRẦN

Vậy bệnh mỡ máu gây nguy hiểm ra sao?

Người gầy vẫn có nguy cơ bị mỡ máu

Bác sĩ Phạm Anh Tuấn - khoa nội tổng hợp, Bệnh viện quận 11 (TP.HCM) - cho biết bệnh mỡ máu trong y khoa gọi là rối loạn chuyển hóa lipid. Trong cơ thể chúng ta có hai loại cholesterol "tốt" và "xấu". Bệnh mỡ máu xảy ra khi các cholesterol "tốt" ít đi, cholesterol "xấu" tăng lên, gây ra rối loạn mất cân bằng cholesterol trong cơ thể.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến tăng cholesterol "xấu" gây bệnh mỡ máu là: ít vận động, ăn nhiều chất béo, dầu mỡ, hút thuốc lá, rượu bia, gia đình có người bị mỡ máu...

Đặc biệt là mỡ máu không phân biệt người gầy hay mập, nếu người gầy mà ăn nhiều dầu mỡ, ít vận động, hút thuốc lá, rượu bia thì vẫn bị nhiễm mỡ máu, còn ở người mập, béo phì nguy cơ cao hơn nên khả năng bị bệnh mỡ máu cao hơn.

Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương - khoa nội tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) - cho biết thêm những người thừa cân, béo phì, hội chứng thận hư, tiêu thụ rượu, bia nhiều, đái tháo đường rất dễ bị rối loạn mỡ máu (rối loạn chất béo). Ngoài ra, cũng có thể liên quan đến một số bệnh lý tuyến giáp, do gene di truyền, những người có lối sống tĩnh lại, lười vận động.

Mỡ máu thường xảy ra ở những người từ 40-50 tuổi trở lên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như: tim mạch (suy tim, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành), đột quỵ và suy thận mạn.

Làm gì để phòng ngừa?

Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương cho hay tất cả người mắc rối loạn mỡ máu bắt buộc phải thay đổi lối sống. Trong đó quan trọng nhất là phải tập thể dục thể thao đều đặn từ 30-60 phút/ngày, nếu quá bận rộn có thể tập 150 phút/tuần với các môn thể thao như: bơi lội, đi bộ, chạy bộ...

Ngoài ra cần hạn chế rượu, bia, hạn chế ăn chất béo, bột đường, không thức khuya để phòng ngừa mỡ máu. Người thừa cân, béo phì cần giảm 3-5% trọng lượng cơ thể, giảm ăn chất bột đường, chất béo.

Về mặt dinh dưỡng người mỡ máu phải bảo đảm lượng calo tiêu thụ, ăn không quá ba chén cơm mỗi ngày, chất béo nên tiêu thụ từ 40-50 gram/ngày. Nên ưu tiên chất béo từ thực vật như: dầu oliu, dầu hướng dương, dầu mè, bơ thực vật, hạn chế đồ chế biến sẵn, chất béo từ động vật.

"Người mỡ máu nên dùng khoảng 1 muỗng dầu ăn/ngày và có thể dùng các loại thực phẩm như tỏi, cà chua, ớt xanh, cà phê không đường, ăn nhiều cá như cá biển, cá hồi, cá trích", bác sĩ Phương cho hay.

Bác sĩ Phương cũng cho rằng người ăn chay vẫn có nguy cơ tăng mỡ máu. Nguyên nhân khi ăn chay vẫn có chiên xào nếu không đảm bảo lượng dầu thực vật tiêu thụ. Người ăn chay ít tiêu thụ mỡ động vật hơn, do vậy nguy cơ mỡ máu chỉ ít hơn.

Theo THU HIẾN/Báo điện tử Tuổi trẻ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh