Trước đây suy giảm thính lực chủ yếu gặp ở người cao tuổi, nay đã ghi nhận ở độ tuổi trung niên, thậm chí người trẻ.
Trước đây suy giảm thính lực chủ yếu gặp ở người cao tuổi, nay đã ghi nhận ở độ tuổi trung niên, thậm chí người trẻ.
TS Nguyễn Ngọc Minh - phó chủ tịch Hội Thính học Việt Nam - báo động độ tuổi bị suy giảm thính lực tại nước ta ngày càng trẻ hóa, do sống trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn và thói quen chưa tốt - Ảnh: X.MAI |
Trên thế giới, kể cả Việt Nam, cứ 6 người thì có 1 người bị suy giảm thính lực. Mất thính lực là vấn đề sức khỏe phổ biến thứ ba ở người lớn tuổi, sau viêm khớp và bệnh tim.
Thông tin trên được TS Nguyễn Ngọc Minh - phó chủ tịch Hội Thính học Việt Nam - cho hay bên lề Hội nghị khoa học kỹ thuật Bệnh viện An Bình (TP.HCM) năm 2023 mới đây.
TS Minh cảnh báo độ tuổi mất thính lực hiện nay ngày càng trẻ hóa. Nếu như trước đây bệnh chủ yếu gặp ở người cao tuổi, thì hiện nay đã ghi nhận nhiều người ở độ tuổi trung niên, thậm chí người trẻ.
Theo ông, các thành phố lớn ở nước ta, trong đó có TP.HCM, đang trên đà phát triển nên nhu cầu xây dựng công trình, xây dựng mạng lưới giao thông… ngày càng tăng.
Những hoạt động này đều tạo ra tiếng ồn rất lớn. Dân cư sinh sống gần hay trong khu vực có nhiều tiếng ồn này trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến tai, gây nghe kém, mất thính lực.
Không chỉ tiếng ồn khách quan do môi trường sống xung quanh, nhiều người còn có thói quen hằng ngày chưa tốt, ảnh hưởng xấu đến thính lực, thậm chí thính lực bị tổn thương không hồi phục.
Phổ biến nhất là đeo tai nghe với âm lượng lớn, kéo dài. Đeo tai nghe là nhu cầu cần thiết phục vụ cho công việc và giải trí. Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý không được dùng tai nghe vượt quá 60% công suất, âm lượng không lớn hơn 80dB và không dùng quá một tiếng đồng hồ trong mỗi ngày.
Nếu chúng ta duy trì thói quen đeo tai nghe này, thính lực chắc chắn bị tổn thương (hồi phục và cả không hồi phục). Thực tế có nhiều người dùng tai nghe kéo dài, thậm chí nghe nhạc, nghe kinh xuyên suốt giấc ngủ.
Bên cạnh đó, những tụ điểm vui chơi như vũ trường, nhạc sàn DJ, quán karaoke… thường dùng âm thanh rất lớn. Điều này chắc chắn sẽ tác động xấu đến thính giác với những người có mặt tại đây.
Đã có trường hợp ngất xỉu khi ở nơi có cường độ âm thanh quá lớn, hoặc sau buổi vui chơi về thì nhiều người bị ngộ độc âm thanh cấp tính với các biểu hiện nghe kém, cơ thể mệt mỏi.
“Đây là vấn đề lớn của xã hội, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và ý thức người dân. Với những hộ dân sống ở khu vực có nhiều tiếng ồn, xe cộ đông đúc, tốt nhất nên có hệ thống cửa cách âm”, ông Minh nêu hướng khắc phục hậu quả ô nhiễm tiếng ồn.
Vậy những người đã suy giảm, mất thính lực cần làm gì? TS Minh cho hay máy trợ thính và cấy ghép ốc tai điện tử ngày nay mang lại những tiến bộ mới nhất trong việc truyền âm thanh. Tuy nhiên theo thống kê có 67-85% người khiếm thính không đủ khả năng đeo máy trợ thính. Do đó, TS Minh đề xuất đưa máy trợ thính vào danh mục được bảo hiểm y tế thanh toán, chi trả.
Theo XUÂN MAI/Báo điện tử Tuổi trẻ