Các bác sĩ cho biết đối với các loại bệnh béo phì, tiểu đường đều có thể sử dụng được gạo, cơm chúng chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể.
Các bác sĩ cho biết đối với các loại bệnh béo phì, tiểu đường đều có thể sử dụng được gạo, cơm chúng chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể.
Người béo phì, tiểu đường, ung thư có thể sử dụng cơm mỗi ngày tùy vào liều lượng khuyến cáo - Ảnh: M.THƯƠNG |
Bác sĩ CKI Trần Thị Hiếu - phụ trách khoa dinh dưỡng, tiết chế Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết mắc các loại bệnh đều có thể ăn được gạo, không bệnh nào kiêng cơm, chúng chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng như: tinh bột, đạm, vitamin, chất xơ… rất lành tính và có lợi cho sức khỏe.
Tuy nhiên, lượng gạo, cơm tiêu thụ ra sao tùy vào từng loại bệnh, ăn uống phải có sự kết hợp hài hòa các món ăn để đầy đủ chất dinh dưỡng.
Người bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể ăn được cơm vì chúng chứa nhiều dưỡng chất.
Cụ thể, người tiểu đường có thể ăn được gạo trắng, hoặc gạo lứt, khi nấu chín vừa tới, đủ lượng nước, thời gian nấu ngắn, đặc biệt lưu ý không nên hâm lại nhiều lần sẽ làm tăng chỉ số đường huyết có trong gạo.
“Cùng một lượng gạo, đem nấu cháo thì sẽ làm đường huyết tăng cao do thời gian hầm lâu làm các chuỗi tinh bột phức bị thủy phân thành đường đơn giản.
Tương tự, khoai lang nếu nấu lâu, bỏ lò nướng cũng sẽ có chỉ số đường huyết cao”, bác sĩ Hiếu cho hay.
Theo bác sĩ Hiếu, người Việt Nam cao khoảng 1m60 nên ăn 1 chén cơm/bữa, tương đương 150g đến 180g để đảm bảo lượng tinh bột cho não và cơ thể hoạt động.
Ăn quá ít tinh bột sẽ làm cơ thể uể oải, mau quên, khó tập trung, chóng mặt đau đầu... ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày.
Mỗi người nên dùng lượng cơm trung bình từ 350g đến 400g cơm/ngày. Chế độ ăn này có thể áp dụng đối với người tiểu đường hoặc những người trên 30 tuổi dư cân hay béo bụng.
Cũng theo bác sĩ Hiếu, tùy vào độ tuổi, đặc thù công việc, mức độ vận động nhu cầu tiêu thụ cơm mỗi người cũng khác nhau.
Thanh thiếu niên, người lao động nặng nhọc có thể ăn nhiều cơm hơn so với nhân viên văn phòng, người vận động nhẹ.
“Việc chỉ ăn cơm, không có sự kết hợp với các món ăn khác, cân đối giữa các nhóm chất như đạm, chất xơ, béo, vitamin và khoáng chất sẽ khiến lượng đường trong máu tăng cao.
Ăn nhiều tinh bột có thể là yếu tố dẫn đến nguy cơ tiểu đường, mỡ máu, gây dư cân béo phì, đề kháng insulin nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra tiểu đường.
Nếu ăn nhiều cơm nhưng tập thể dục, thể thao, vận động tốt, có lối sống lành mạnh sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe”, bác sĩ Hiếu cho hay.
Theo THU HIẾN/Báo điện tử Tuổi trẻ