Đậu mùa khỉ đã lây lan ở phạm vi nhiều nước trên thế giới, do vậy, việc bệnh xâm nhập vào Việt Nam là khó tránh khỏi. Theo đó, các cơ sở y tế phải luôn sẵn sàng ứng phó khi có ca bệnh xuất hiện, thậm chí là tình huống sau này dịch lưu hành tại Việt Nam.
Đậu mùa khỉ đã lây lan ở phạm vi nhiều nước trên thế giới, do vậy, việc bệnh xâm nhập vào Việt Nam là khó tránh khỏi. Theo đó, các cơ sở y tế phải luôn sẵn sàng ứng phó khi có ca bệnh xuất hiện, thậm chí là tình huống sau này dịch lưu hành tại Việt Nam.
TP.HCM vừa phát hiện trường hợp thứ 5 mắc đậu mùa khỉ (Mpox), trong tổng số 6 ca mắc trong cả nước (riêng hai trường hợp trước đây có nguồn gốc nhiễm bệnh từ nước ngoài về).
Theo kết quả giải mã gen ca đậu mùa khỉ nội địa đầu tiên được phát hiện tại TP.HCM (bệnh nhân có địa chỉ nhà ở Đồng Nai, ở trọ tại TP.HCM), đây là chủng virus Mpox phát hiện gần đây tại Nhật Bản, Bồ Đào Nha và Hàn Quốc, khác với chủng virus với kiểu gene A.2.1 được phát hiện ở 2 ca nhập cảnh vào Việt Nam vào tháng 10/2022 từ Dubai.
Đánh giá nguy cơ bùng phát dịch đậu mùa khỉ tại Việt Nam, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho rằng, đậu mùa khỉ đã lây lan ở phạm vi nhiều nước trên thế giới, do vậy, việc bệnh xâm nhập vào Việt Nam là khó tránh khỏi.
Theo đó, các cơ sở y tế phải luôn sẵn sàng ứng phó khi có ca bệnh xuất hiện, thậm chí là tình huống sau này dịch lưu hành tại Việt Nam.
BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư |
"Bệnh đậu mùa khỉ mới xuất hiện, do vậy cần ngăn chặn để bệnh không phát tán rộng là điều tốt nhất. Khi không may, đậu mùa khỉ trở thành bệnh lưu hành ở một khu vực nào đấy, chúng ta không thể nào làm sạch mầm bệnh, thì phải cố gắng kiểm soát để giảm nguy cơ lây nhiễm, giảm tác hại của bệnh", BS Cấp nói.
Về cơ bản, đậu mùa khỉ là bệnh dễ lây nhiễm. Tuy nhiên, độc lực của bệnh không quá mạnh, không có nguy cơ gây tử vong cao. Do vậy, bệnh được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm B và cần thực hiện các biện pháp phòng, chống như các bệnh truyền nhiễm khác trong nhóm B, có đường lây tương tự.
Đậu mùa khỉ lây truyền trực tiếp giữa người lành và người mang bệnh, hoặc tiếp xúc với các dịch chứa virus đậu mùa khỉ.
"Khi dịch chưa lưu hành ở Việt Nam, chúng ta cần cố gắng phát hiện sớm những các mắc bệnh để khoanh vùng, cách ly sớm. Đồng thời giám sát những người tiếp xúc gần để cách ly sớm. Đây là những biện pháp phòng, chống dịch đơn giản và hiệu quả nhất.
Không may, khi đậu mùa khỉ trở thành dịch lưu hành tại Việt Nam, lúc đó, người dân ngay khi có triệu chứng nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ, với những tổn thương của đậu mùa khỉ thì cần chủ động cách ly, không tiếp xúc trực tiếp với mọi người xung quanh, nhằm tránh phát tán những dịch sinh vật và virus ra môi trường bên ngoài, gây lây nhiễm cho người khác", Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư khuyến cáo.
Các chuyên gia y tế đặc biệt khuyến cáo, những người có công việc đi tới các vùng dịch hay công việc có liên quan đến tiếp xúc gần với những mắc bệnh, có triệu chứng mắc bệnh đậu mùa khỉ, thì cần đảm bảo có phương tiện phòng hộ như khẩu trang, găng tay, tránh tiếp xúc niêm mạc… để tránh nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh.
Nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh Mpox cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng.
Người bị bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, giảm thiểu các biến chứng cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây nhiễm. Đồng thời cũng cần phối hợp truyền thông cho những người tiếp xúc gần với mình để phát hiện sớm triệu chứng bệnh và ngăn chặn sự lây lan.
Theo Thiên Bình/VOV.VN