Cận thị là tật khúc xạ hay gặp nhất ở lứa tuổi đến trường và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Tỷ lệ mắc tật khúc xạ ở thanh thiếu niên Việt Nam đáng báo động: 15-20% ở học sinh nông thôn, 30-40% ở thành thị. Riêng nhóm trẻ từ 6-15 tuổi, tỷ lệ này khoảng 20%, tương đương gần 3 triệu người.
Các bác sĩ khám mắt cho học sinh Trường THCS Nguyễn Trường Tộ. |
(VLO) Cận thị là tật khúc xạ hay gặp nhất ở lứa tuổi đến trường và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Tỷ lệ mắc tật khúc xạ ở thanh thiếu niên Việt Nam đáng báo động: 15-20% ở học sinh nông thôn, 30-40% ở thành thị. Riêng nhóm trẻ từ 6-15 tuổi, tỷ lệ này khoảng 20%, tương đương gần 3 triệu người.
Gia tăng học sinh cận thị
Sau khi đo mắt cho con tại Bệnh viện (BV) Chuyên khoa mắt tỉnh, chị Đỗ Mai Trân (TP Vĩnh Long) kể, thời gian gần đây, con trai 8 tuổi thường xuyên than đau, mỏi mắt.
“Khi học bài hay coi tivi, bé thường phải ghé sát mới đọc được. Đi khám thì bé được chẩn đoán bị cận thị 1,5 độ, phải đeo kính để không tăng độ”- chị Trân nói.
Sống chung với cặp kính gần 2 năm, bé Nguyễn Ngọc Hân (lớp 2 Trường Tiểu học Nguyễn Du) cho biết, em bị cận thị cả 2 bên mắt.
“Con bị cận thị khi nghỉ hè lớp lá. Hè đi học chữ lớp 1, con nhìn bảng không rõ, con coi tivi phải đứng gần mới thấy nên mẹ đưa đi khám và được bác sĩ nói mắt con bị cận thị, phải đeo kính. Lớp con cũng có 5 bạn đeo kính giống con”- Ngọc Hân cho hay.
Ngày 7/9, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ phối hợp với BV Chuyên khoa mắt tổ chức khám sàng lọc tật khúc xạ học đường cho học sinh. Các em được đoàn kiểm tra thị lực, đo tật khúc xạ bằng máy khúc xạ tự động và khám các bệnh về mắt.
Em Phạm Thanh Xuân (lớp 9/5) cho biết: “Em bị cận thị từ năm lớp 4. Nãy bác sĩ khám nói em về nhà kêu ba mẹ đưa đến BV chuyên khoa mắt để khám chuyên sâu hơn vì khi đo và kiểm tra, mắt em có độ loạn khá cao”.
Cũng cần đến BV để khám mắt chuyên sâu hơn, em Lê Minh Mẫn (lớp 9/5) cho biết: “Em bị cận từ lớp 1. Lúc đó, em nhìn bảng hổng thấy nói với cô, cô nói với ba dẫn em đi khám thì bác sĩ nói em cận loạn bẩm sinh do di truyền. Hơn 2 năm em không thay kính, kỳ này khám bị tăng độ nữa”.
Theo BS.CK1 Lê Minh Phương- Trưởng Phòng Kế hoạch chỉ đạo tuyến BV Chuyên khoa mắt tỉnh, qua các đợt khám tầm soát tại nhiều trường học thời gian qua từ thành thị đến nông thôn, các bác sĩ đã phát hiện ra rất nhiều trường hợp không biết bản thân bị các dị tật khúc xạ như: cận thị, loạn thị… và hầu như trên 70% học sinh không biết cách chăm sóc mắt, đi khám mắt định kỳ.
“Chúng tôi khuyên các bậc cha mẹ nên cho các cháu đi khám mắt định kỳ hoặc khi trẻ có biểu hiện bất thường về thị lực như xem tivi gần, nheo mắt hay nhìn bảng mờ. Dựa trên kết quả khám sàng lọc của các cháu, phụ huynh nên cho con đi khám chuyên sâu để có biện pháp điều trị kịp thời”- BS Minh Phương cho hay.
Nên khám mắt định kỳ cho trẻ
Theo BS.CK1 Lê Minh Phương, có 2 nguyên nhân chính gây ra các tật khúc xạ ở mắt có liên quan đến yếu tố di truyền và thói quen sinh hoạt, dinh dưỡng.
Ngoài lý do bữa ăn thiếu vi chất dinh dưỡng, môi trường ánh sáng chưa phù hợp, ít tham gia vận động sinh hoạt ngoài trời, lạm dụng thiết bị điện tử trong thời đại số cũng là yếu tố dẫn đến tật khúc xạ.
Để phát hiện sớm các bệnh về mắt, phụ huynh cần lưu ý, đối với trẻ nhỏ khi thấy con xem ti vi lại sát màn hình, chơi điện thoại nhìn sát vô máy, nhìn lên bảng thì hay nhíu mắt, nghiêng đầu… nên đưa con đi khám ngay.
Để phòng tránh tật khúc xạ ở trẻ, BS Lê Minh Phương khuyến cáo cần giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử, ít hơn 1 giờ/ngày; đảm bảo đủ ánh sáng khi học (có đèn bàn) và ánh sáng trên lớp học. Tư thế khi ngồi học (ngồi thẳng lưng, ngay ngắn, không cúi sát xuống bàn).
“Đặc biệt, không để mắt làm việc liên tục trong khoảng thời gian dài, cứ khoảng 30 phút hoặc 1 giờ nên cho trẻ nghỉ ngơi, thư giãn mắt.
Ngoài ra, hãy có thói quen đưa trẻ đi khám mắt định kỳ ngay từ khi mắt còn tốt, là cách giúp phụ huynh chăm sóc “cửa sổ tâm hồn” cho con một cách hữu hiệu phòng tránh tật khúc xạ”- bác sĩ Minh Phương khuyên.
Nếu con bị bệnh rồi thì nên đeo kính thường xuyên, chỉnh kính đúng độ và khoảng 6 tháng đi tái khám một lần để kiểm tra lại độ, thường độ sẽ tăng dần theo tuổi của các em. Bên cạnh đó, trẻ cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho mắt, ngủ đủ 8-10 tiếng một ngày; ăn nhiều rau xanh, trái cây đảm bảo đủ các loại vitamin cho cơ thể.
BS.CK1 Lê Minh Phương nhấn mạnh, nếu trẻ có tật khúc xạ thì phải đeo kính thường xuyên để giúp nhìn rõ hơn và tạo điều kiện cho sự phát triển hoàn thiện chức năng thị giác của mắt. Trong số các trường hợp bị tật khúc xạ thì có khoảng 50% em được chỉnh kính đúng, số còn lại thường chỉnh kính không đúng hoặc là không đeo kính. Những trường hợp này có 2 tác hại như nhìn không rõ sẽ ảnh hưởng đến học tập thậm chí nguy hiểm khi tham gia giao thông; về lâu dài sẽ bị lé mắt, nhược thị, thoái hóa võng mạc, bong võng mạc do tật cận thị và dẫn đến mù lòa. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN