Phòng dịch tay chân miệng mùa tựu trường

04:09, 05/09/2023

Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng (TCM) diễn biến phức tạp khi năm học mới bắt đầu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh.

(VLO) Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng (TCM) diễn biến phức tạp khi năm học mới bắt đầu, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có khuyến cáo về các biện pháp phòng bệnh.

Cục Y tế dự phòng đề nghị người dân cần chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp như rửa tay thường xuyên bằng xà bông (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ; thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, ăn chín, uống chín và vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng…

Các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ tập trung và hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần chủ động theo dõi sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện và đưa ngay đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác.

Từ đầu năm 2023 tới nay, cả nước ghi nhận hơn 68.000 trường hợp mắc TCM, trong đó có 18 ca tử vong. Riêng tại Vĩnh Long, ghi nhận hơn 850 ca mắc TCM, có 1 trường hợp tử vong. Hiện nay, chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc đặc trị cho bệnh TCM.

“Vì vậy, phòng bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ trẻ. Nếu trẻ có triệu chứng sốt, giật mình, bàn chân, bàn tay có vết loét cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để các bác sĩ thăm khám và có hướng điều trị kịp thời”- BS.CK2 Trần Chí Công- Phó trưởng Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long khuyến cáo.

THÚY QUYÊN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh