Thủy đậu (còn gọi là bệnh trái rạ) là bệnh truyền nhiễm do virus varicella zoster gây ra và hiện đã có vaccine phòng ngừa. Dù là bệnh lành tính sẽ khỏi sau một thời gian phát bệnh nhưng bệnh nào cũng sẽ có những biến chứng nguy hiểm nếu không có biện pháp chữa trị đúng cách.
Cách phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ. |
(VLO) Thủy đậu (còn gọi là bệnh trái rạ) là bệnh truyền nhiễm do virus varicella zoster gây ra và hiện đã có vaccine phòng ngừa. Dù là bệnh lành tính sẽ khỏi sau một thời gian phát bệnh nhưng bệnh nào cũng sẽ có những biến chứng nguy hiểm nếu không có biện pháp chữa trị đúng cách.
Bệnh thủy đậu ở người lớn- không nên chủ quan
Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường- Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), nhiều người lớn nghĩ rằng chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu nên rất chủ quan, dẫn đến những biến chứng khó kiểm soát. Gần đây, tại trung tâm đã có nhiều ca mắc bệnh thủy đậu nặng, nhập viện có diễn biến phức tạp, trong đó 2 trường hợp đã tử vong.
Nữ bệnh nhân (BN) 28 tuổi (ở Hà Nội) mắc bệnh viêm cầu thận lupus đã được điều trị cách đây 1 tháng và ra viện được 10 ngày. Sau đó, BN xuất hiện đau vùng thắt lưng cột sống, phải nhập viện điều trị.
Quá trình điều trị các bác sĩ phát hiện BN có nốt phỏng nước ở mặt, lan xuống ngực, bụng nên chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai điều trị tiếp. Tại đây, BN được chẩn đoán mắc thủy đậu, không rõ nguồn lây. Sau 2 ngày điều trị tích cực, BN đã tử vong do thủy đậu diễn biến nặng.
Trước đó, bệnh viện cũng tiếp nhận BN nam 32 tuổi được chuyển vào trung tâm điều trị được chẩn đoán mắc thủy đậu có biến chứng viêm phổi, suy gan.
Theo người nhà BN, trước khi vào viện điều trị 2 tuần, nam BN có tiếp xúc với con trai mắc thủy đậu. BN có tiền sử khỏe mạnh, không có bệnh lý nền. Do tình trạng chuyển biến nặng, BN tử vong ngay sau đó.
“Người lớn khi mắc thủy đậu thường có biến chứng nặng hơn vì có bệnh nền và khi phát hiện thường muộn hơn hoặc có chẩn đoán nhầm so với các bệnh khác”- bác sĩ Đỗ Duy Cường lưu ý.
Những trường hợp có sẵn các bệnh nền như: ung thư, viêm phổi, viêm não, suy gan, suy đa phủ tạng, hay đang phải sử dụng các loại thuốc như: corticoid, loại thuốc ức chế miễn dịch để chữa bệnh gút, phổi, thận.
Đặc biệt một số bệnh nhân nhập viện trên cơ địa đặc biệt hay phụ nữ có thai. Đây là những đối tượng đặc biệt khi mắc bệnh thì virus sẽ bùng lên và tổn thương nặng.
“BN có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, một số trường hợp có biến chứng như viêm phổi, viêm não, hoặc suy gan, thậm chí là suy đa phủ tạng cần lọc máu. Ngoài ra, với những trường hợp khỏe mạnh cũng không nên chủ quan.
Khi mắc bệnh cần đến cơ sở y tế để bác sĩ có chuyên môn chẩn đoán, điều trị kịp thời”, bác sĩ Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.
Chủ động phòng bệnh thủy đậu
Theo BS.CK2 Dư Tuấn Quy- Trưởng Khoa Nhiễm- Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh), cho biết thủy đậu là bệnh do virus varicella zoster gây ra, một số nhóm người trưởng thành có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu dễ chuyển nặng, nguy cơ tử vong cao xảy ra ở người có cơ địa bị suy giảm miễn như: bệnh lý về huyết học (ung thư máu, bạch cầu cấp), mắc bệnh thận mạn tính, ung thư…
Riêng người phụ nữ mang thai, nếu bị mắc thủy đậu sẽ dẫn đến nhiều biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe của cả thai phụ và thai nhi.
“Với những người có sức khỏe bình thường, khi mắc thủy đậu dễ dàng lướt qua, khỏi bệnh. Nhưng với người suy giảm miễn dịch, virus do bệnh thủy đậu gây ra sẽ “đánh sập” hệ miễn dịch, họ sẽ khó qua khỏi”, bác sĩ Dư Tuấn Quy nói.
Theo số liệu của Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, từ đầu năm 2023 đến ngày 21/8, bệnh viện ghi nhận 734 ca mắc thủy đậu điều trị ngoại trú, tăng 251% ca so với cùng kỳ 2022. Nội trú 31 ca, tăng 94% so với cùng kỳ 2022. Ðây là số ca mắc thủy đậu ghi nhận từ Cần Thơ và các tỉnh trong vùng ÐBSCL.
Riêng tại Vĩnh Long, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), ghi nhận 215 ca mắc, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ.
Theo Phó Giám đốc CDC tỉnh- Huỳnh Thanh Tân, bệnh thủy đậu rất dễ lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc gần với dịch tiết mũi họng, dịch từ nốt phỏng thủy đậu của người bệnh. Tỷ lệ lây nhiễm lên đến 90% ở những người chưa có miễn dịch.
Dù thủy đậu là bệnh lành tính, có thể tự khỏi sau 1-2 tuần (đa phần tự chữa ở nhà), song ở những BN có cơ địa đặc biệt hoặc có bệnh cảnh nền thì dễ xảy ra biến chứng.
Cách phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ từ 12 tháng tuổi. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm phòng thủy đậu trước khi có thai ít nhất 3 tháng. Đây là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất.
Vaccine thủy đậu có tính an toàn và hiệu quả cao. Nếu đã chủng ngừa đầy đủ thì rất ít khi mắc bệnh, nếu có mắc thì các triệu chứng cũng sẽ nhẹ hơn.
Bên cạnh đó, người dân cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh để phòng bị lây nhiễm; thường xuyên rửa tay bằng xà bông, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.
Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7-10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
BS.CK1 Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng Khoa Nhi Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, cho biết, hiện nay vẫn có nhiều người quan niệm mắc bệnh thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió nên không tắm cho con. Song, đây là quan niệm chưa đúng, khi trẻ mắc thủy đậu sẽ khó chịu, ngứa da, không tắm càng khiến trẻ thêm ngứa ngáy, gãi vỡ các nốt thủy đậu, dễ nhiễm trùng, gây tổn thương sâu qua lớp hạ bì và để lại sẹo. Ngoài ra, cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho con, không ăn kiêng. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN