Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Giám đốc Sở Y tế, tỉnh vừa ghi nhận 1 trường hợp trẻ 2 tuổi ở TP Vĩnh Long bệnh tay chân miệng (TCM) chuyển nặng và tử vong.
(VLO) Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Giám đốc Sở Y tế, tỉnh vừa ghi nhận 1 trường hợp trẻ 2 tuổi ở TP Vĩnh Long bệnh tay chân miệng (TCM) chuyển nặng và tử vong.
Ngày 25/6, bệnh nhi sốt 38,5 độ C nhập viện điều trị tại BVĐK Vĩnh Long được chẩn đoán TCM độ 3. Sau đó, ngày 27/6 bệnh nhi được chuyển điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh với chẩn đoán TCM độ 3, tăng huyết áp.
Dù được các bác sĩ tích cực điều trị 37 ngày nhưng bệnh nhi tử vong với chẩn đoán viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết, di chứng não, ARDS nặng, bệnh TCM độ 4 chủng virus EV71.
Ngay sau khi có ca tử vong do bệnh TCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh tiến hành giám sát, khoanh vùng và xử lý dịch theo quy định. Đồng thời, ngành y tế tỉnh triển khai các biện pháp phòng chống bệnh TCM nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp bệnh nặng và tử vong.
Từ đầu năm 2023 đến 6/8, Vĩnh Long ghi nhận hơn 630 ca mắc TCM. Trong đó, TP Vĩnh Long, Long Hồ và Tam Bình là các địa phương có số ca mắc cao. Tỉnh đã xử lý 24 ổ dịch theo đúng quy định của Bộ Y tế. Đây là trường hợp đầu tiên tử vong vì TCM trong năm 2023.
TCM là bệnh lý khá lành tính, song, nếu chủ quan trẻ có thể gặp biến chứng nhanh và nguy hiểm. BS.CK 2 Trần Chí Công- Phó trưởng khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long, khuyến cáo phụ huynh khi thấy trẻ có biểu hiện sốt, nổi hồng ban mụn nước ở tay chân mông gối, loét miệng, xuất hiện một trong các triệu chứng giật mình chới với, ói nhiều, sốt cao khó hạ, thở bất thương, run tay chân, đi loạng choạng, ngồi không vững, nuốt khó, da nổi bông (vân tím), xanh tái, lơ mơ, co giật… hãy đưa ngay trẻ tới bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin