Nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá

05:08, 27/08/2023

Năm 2023, Vĩnh Long đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc sử dụng thuốc lá (TL), các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của TL, đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực phòng, chống tác hại của TL để thực hiện môi trường không khói TL, tư vấn cai nghiện TL, giảng dạy về phòng, chống tác hại của TL,…

(VLO) Năm 2023, Vĩnh Long đặt mục tiêu tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc sử dụng thuốc lá (TL), các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của TL, đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực phòng, chống tác hại của TL để thực hiện môi trường không khói TL, tư vấn cai nghiện TL, giảng dạy về phòng, chống tác hại của TL,…

Sở Y tế tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2023 vào ngày 25/8.
Sở Y tế tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2023 vào ngày 25/8.

Tác hại của thuốc lá

Theo BS.CK1 Trần Văn Tiền- Phó Giám đốc Sở Y tế, TL đã và đang gây ra những tác hại vô cùng to lớn cho sức khỏe con người, là nguyên nhân chính gây bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như ung thư phổi, đột quỵ, bệnh mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Tại Việt Nam, sau gần 10 năm triển khai các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của TL, tỷ lệ hút TL ở người trưởng thành được kéo giảm từ 45,3% năm 2012 xuống dưới 42% năm 2022, nhưng hiện nước ta vẫn nằm trong số 15 nước có tỷ lệ hút TL cao nhất thế giới, và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Ước tính việc sử dụng TL gây ra khoảng 60.000 ca ung thư mỗi năm ở nước ta. Số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích, mà một trong những nguyên nhân là do sử dụng TL.

Theo Sở Y tế, kết quả điều tra tình hình sử dụng TL của Quỹ Phòng, chống tác hại của TL thực hiện tại Vĩnh Long cho thấy, trong năm 2019-2020, tỷ lệ hút TL chung ở người trưởng thành trên địa bàn là 21,7%, giảm 0,8% so với năm 2012.

Thời gian qua, Vĩnh Long đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống tác hại TL góp phần kéo giảm tình hình sử dụng TL như: Xây dựng môi trường không khói TL ở các cơ sở y tế, trường học, cơ quan nhà nước, nhà hàng, khách sạn; đưa nội dung phòng, chống tác hại của TL vào chương trình giảng dạy ngoại khóa ở các trường học; đưa quy định không hút TL vào nội quy, quy chế, tiêu chí thi đua, trách nhiệm người đứng đầu tại cơ quan, đơn vị,…

Song, hiện nay việc mua bán, sử dụng TL trên địa bàn tỉnh vẫn còn khá dễ dàng và phổ biến, nhất là ở những khu vực công cộng; tỷ lệ hút TL có xu hướng tăng trong thanh thiếu niên.

Triển khai hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2023

Ngày 25/8, Sở Y tế tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hoạt động phòng, chống tác hại của TL năm 2023 trên địa bàn tỉnh.

Hiện nước ta còn có khoảng 33 triệu người thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.
Hiện nước ta còn có khoảng 33 triệu người thường xuyên phải tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.

Tại hội nghị, các đại biểu được triển khai quyết định của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch hoạt động phòng, chống tác hại TL tỉnh năm 2023 và kế hoạch hoạt động phòng, chống tác hại TL của Sở Y tế.

Theo đó, nhằm tăng cường công tác phòng, chống và giảm thiểu các tác hại của việc sử dụng TL, bảo vệ các thế hệ hiện nay và tương lai khỏi các hậu quả tàn phá về sức khỏe, xã hội, môi trường và kinh tế của việc tiêu thụ TL, phơi nhiễm với khói TL.

Song song đó, tổ chức việc thực thi nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của TL và môi trường không khói TL tại tỉnh; tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của việc sử dụng TL; xây dựng, triển khai, nhân rộng các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan, nhà hàng, khách sạn, nơi làm việc không khói TL và thực hiện các nghiên cứu, đánh giá để đưa ra bằng chứng phục vụ công tác phòng, chống tác hại của TL.

Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Tiền đề nghị, các sở, ngành, đoàn thể và các địa phương trong tỉnh cần tích cực phối hợp với ngành y tế đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc sử dụng TL, các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của TL bằng các phương thức và kênh thông tin phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Song song đó, các ngành, địa phương cần quan tâm bồi dưỡng năng lực cho mạng lưới cộng tác viên làm công tác phòng, chống tác hại của TL tại các cơ quan, đơn vị, để từ đó củng cố và nâng cao năng lực về phòng, chống tác hại của TL; tăng cường xây dựng, triển khai và nhân rộng các mô hình điểm về cộng đồng, cơ quan, nhà hàng, khách sạn, tổ chức, nơi làm việc không khói TL.

Các ngành, địa phương cần thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại của TL, quy định cấm hút TL tại nơi làm việc, nhà hàng, khách sạn, cơ sở y tế, giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và địa điểm theo quy định để từng bước kéo giảm tình trạng sử dụng TL, hướng đến việc xây dựng một môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng. 

Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh