Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, dễ tiêu hóa, hấp thụ và có đủ các chất dinh dưỡng đáp ứng đủ nhu cầu cho sự phát triển của trẻ. Nếu có niềm tin, dinh dưỡng đầy đủ, thích hợp, sản phụ nào cũng có thể đủ sữa cho con bú cho dù sinh non, sinh đôi, hoặc phải dùng kháng sinh sau phẫu thuật…
(VLO) Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, dễ tiêu hóa, hấp thụ và có đủ các chất dinh dưỡng đáp ứng đủ nhu cầu cho sự phát triển của trẻ. Nếu có niềm tin, dinh dưỡng đầy đủ, thích hợp, sản phụ nào cũng có thể đủ sữa cho con bú cho dù sinh non, sinh đôi, hoặc phải dùng kháng sinh sau phẫu thuật…
Cho con những dòng sữa ngọt ngào
Điều dưỡng Phòng Hồi sức sơ sinh Khoa Nhi, BVĐK Vĩnh Long hướng dẫn mẹ cho trẻ sinh non bú sữa mẹ. |
Nhìn bé Bin (6 tháng tuổi) bụ bẫm nằm ngủ ngoan, chị Phan Kiều Diễm (TP Vĩnh Long) cười hạnh phúc: “Chị sinh con lúc gần 27 tuần tuổi, bé trai nặng 1.150g.
Vì sinh non nên bé phải cần đến máy móc, ống thở, ống truyền dịch... Dù không có đủ sữa cho con nhưng vẫn kiên trì hàng ngày tìm cách vắt sữa cho con bú và vợ chồng thay phiên ấp con trong phòng chăm sóc Kangaroo Khoa Sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ”.
Nhớ chặng đường gian khó trước đã qua, chồng chị Diễm- anh Nguyễn Minh Khoa cho biết: “Bác sĩ nói sữa mẹ là tốt nhất cho con, hỗ trợ tiêu hóa và miễn dịch, sức đề kháng cho con, nên vợ tôi chịu cực khổ để dành tất cả cho con những gì tốt đẹp nhất.
Sinh sớm, sức khỏe chưa kịp phục hồi mà con đang nằm trong lồng ấp, dù rất lo nhưng tôi thấy vợ rất mạnh mẽ. Vợ chồng thay ca cứ 3 tiếng vô chăm con.
Nhìn vợ cố gắng uống nước ấm, cố ăn thêm thức ăn, chén canh để cặm cụi hút từng giọt sữa cho con uống, tôi thương quá. Tôi ra ca, tranh thủ nấu các món ngon cho vợ ăn có sữa để giúp con khỏe mạnh hơn”.
Con gái lớn đang ê a đánh vần, thi thoảng chạy lại nắm tay em, hôn lên trán em đầy yêu thương, chị Diễm xúc động: “Sanh ra đỏ hỏn, bé tí mà giờ 6 tháng cũng được hơn 7kg. Chị xin nghỉ phép năm, cơ quan tạo điều kiện cho nghỉ thêm 1 tháng nữa để chăm con.
Mỗi ngày chị hút sữa được gần 1 lít, chia ra bình tới cữ hâm cho con bú. Tháng sau đi làm lại, chị vẫn sẽ hút sữa và kiên trì cho cu Bin bú sữa mẹ để con có nguồn dinh dưỡng và thêm đề kháng. Lúc còn ở bệnh viện, chị cũng hút sữa nuôi thêm một bé sinh non nằm cùng với con chị do mẹ bé chưa khỏe nên sữa chưa có”.
Bé Bin cùng những trẻ sinh non nhẹ cân được nuôi dưỡng bằng nguồn sữa mẹ, giúp hấp thu dễ dàng để phát triển và tăng đề kháng, thích nghi với môi trường sống bên ngoài.
Theo các bác sĩ Khoa Sơ sinh Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ, việc sử dụng sữa mẹ không đơn thuần là dinh dưỡng đối với trẻ sinh non mà còn là sự sống còn của trẻ. Nếu sử dụng sữa công thức, dễ dẫn đến tình trạng hoại tử ruột.
Những trẻ sinh non mắc bệnh này phải can thiệp phẫu thuật thì khả năng sống giảm đi rất nhiều. Các bé sau đó phải chịu đựng cuộc sống với đoạn ruột ngắn đi, suy dinh dưỡng nặng do kém hấp thu, bị các biến chứng về nhiễm trùng.
Rất nhiều bé được chuyển qua các bệnh viện nhi để tiếp tục nuôi dưỡng và điều trị, nhưng nhiều trường hợp không thể cứu sống.
Sử dụng sữa mẹ sẽ giúp giảm tỷ lệ viêm ruột hoại tử so với sử dụng sữa công thức. Ngoài ra, trẻ sinh non sẽ dung nạp sữa tốt hơn, giảm thời gian nuôi dưỡng bằng dịch truyền, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn vì nằm viện quá lâu, sẽ sớm được xuất viện.
Duy trì sữa mẹ cho con
Cho con bú sữa mẹ, nắm bàn tay bé xíu chị Nguyễn Thị Kim Liên (xã Tân Long Hội, huyện Mang Thít) cười hạnh phúc: “Con ra đời sớm, mới 33 tuần, nặng chỉ 1,8kg và nằm viện được các y, bác sĩ chăm sóc, nuôi đặc biệt gần 20 ngày.
Thời gian đó, các bác sĩ tạo điều kiện cho mẹ tiếp xúc với con sớm để trò chuyện, massage, tương tác với con; chỉ cách da kề da, cảm giác con cứ ôm chặt mình, rất ấm áp.
Bác sĩ khuyên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, giúp khả năng đề kháng của trẻ được tốt vì trong sữa mẹ đã có sẵn những chất kháng thể cần thiết”- chị Liên chia sẻ.
Việc hút trữ sữa mẹ giúp cho các bà mẹ duy trì nguồn sữa cho con sau khi hết thời gian nghỉ hộ sản. |
Theo các chuyên gia y tế, việc duy trì nuôi con bằng sữa mẹ tới khi trẻ 2 tuổi giúp trẻ được bú mẹ có nguồn dinh dưỡng tốt nhất, giảm nguy cơ bệnh tật cho cả mẹ và con; gia đình cũng có thể tiết kiệm được khoảng 12% thu nhập khi không phải mua sữa công thức và giảm rất nhiều chi phí khám chữa bệnh.
Người mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ và chuẩn bị đi làm trở lại, muốn linh hoạt trong việc cho con bú bạn có thể cân nhắc vắt sữa cho con bằng tay hoặc sử dụng thiết bị hút sữa.
Và khi bắt đầu vắt sữa, điều quan trọng là phải biết cách bảo quản sữa đã vắt ra như thế nào để đảm bảo chất lượng sữa mẹ, tránh lãng phí, giúp mẹ tự tin duy trì nguồn sữa mẹ để nuôi con sau khoảng thời gian nghỉ hậu sản trở lại với công việc và đảm bảo an toàn cho trẻ.
BS.CK2 Trần Mỹ Dung- Phó Khoa Sản BVĐK Vĩnh Long khuyên các bà mẹ cần rửa tay và vệ sinh dụng cụ hút sữa thật sạch trước khi vắt sữa.
Sữa sau khi hút ra phải được đựng trong bình sữa chuyên dụng, đậy kín nắp; túi chuyên trữ sữa; dán nhãn ghi thời gian lấy sữa và bảo quản ngay ở ngăn mát tủ lạnh (nếu dùng ngay trong ngày) hoặc ngăn đông (nếu để lâu hơn).
Sữa sau khi rã đông, hâm ấm 40 độ, nếu bé bú không hết thì phải bỏ đi, không được dùng hay trữ lại. Không pha sữa đông thừa với sữa mới vắt.
Theo các bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, để duy trì nguồn sữa và tăng tạo sữa, khi đi làm mẹ nên dành nhiều thời gian cho trẻ bú mẹ trước khi phải xa trẻ và ngay sau khi về nhà, tăng số lần cho bú khi ở gần trẻ bằng cách tăng số lần bú khi ở nhà vào buổi tối và những ngày nghỉ. Khi quay trở lại làm việc, người mẹ cần hút sữa và bảo quản sữa hút ra trước khi đi làm để người chăm sóc trẻ có thể cho trẻ uống sữa mẹ. Nên duy trì lịch hút sữa tại nơi làm việc và khi đi xa nhà, đảm bảo thời gian giữa các lần vắt từ 3-4 giờ để giúp duy trì nguồn sữa và ngăn ngừa cương tức sữa. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin