Cải thiện dinh dưỡng, nâng cao thể trạng, tầm vóc trẻ em

02:08, 27/08/2023

"Cải thiện dinh dưỡng" là một trong số các hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Hoạt động này nhằm cải thiện, chăm sóc và nâng cao thể trạng, tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Bữa ăn hàng ngày cho trẻ cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm.
Bữa ăn hàng ngày cho trẻ cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm.

(VLO) “Cải thiện dinh dưỡng” là một trong số các hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Hoạt động này nhằm cải thiện, chăm sóc và nâng cao thể trạng, tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.

Trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi tập trung ở gia đình nghèo

Dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng tới sự phát triển về thể lực, tầm vóc, trí tuệ. Nhất là đối với trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước.

Trong những năm gần đây, kinh tế- xã hội ngày càng phát triển, đời sống của người dân Vĩnh Long có nhiều cải thiện, song tình trạng trẻ em thiếu vitamin A, thiếu sắt, kẽm, suy dinh dưỡng thấp còi vẫn còn, nhất là trẻ trong các gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Đây là những yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên và là nguyên nhân chính dẫn đến chiều cao thấp ở thanh niên.

Theo kết quả rà soát đến cuối năm 2022 trên địa bàn Vĩnh Long theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 thì tổng số hộ nghèo hiện có gần 4.300 hộ (chiếm tỷ lệ 1,44%), hộ cận nghèo khoảng 8.600 hộ ( tỷ lệ 2,93%) và có hơn 9.000 hộ có mức sống trung bình.

Do hoàn cảnh thiếu thốn nên chế độ bữa ăn trong các gia đình này chưa được đảm bảo. Từ đó đã tác động trực tiếp đến sức khỏe và quá trình phát triển của trẻ em.

Việc ăn uống thiếu chất, thiếu cân đối các nhóm dinh dưỡng chính là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng và nhiều bệnh tật khác ở trẻ em, làm ảnh hưởng đến chất lượng sinh hoạt, học tập, nhất là trẻ em thuộc vùng sâu, vùng xa.

Theo BS.CK2 Nguyễn Thị Tú Trinh- Trưởng Khoa Chăm sóc Sức khỏe sinh sản và Phụ sản (Trung tâm Y tế huyện Tam Bình), tình hình trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi của huyện Tam Bình năm 2022 là 9,4%, 6 tháng đầu năm 2023 giảm còn 1,9%.

“Trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi tập trung ở gia đình nghèo, cận nghèo nên chỉ lo việc mưu sinh, ít quan tâm đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Trẻ suy dinh dưỡng đề kháng kém, dễ mắc bệnh, chậm phát triển thể chất lẫn tinh thần”- BS Tú Trinh cho biết.

ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc Bích- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Hồ, cho biết: “Tỷ lệ trẻ từ 0-5 tuổi thấp còi, suy dinh dưỡng trên địa bàn là trên 13,3%. Các gia đình khó khăn nên cũng ít quan tâm và cũng không có điều kiện để cải thiện dinh dưỡng cho trẻ”.

Việc ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch “Cải thiện dinh dưỡng” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 sẽ góp phần nâng cao dinh dưỡng, sức khỏe cho trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em phát triển tốt hơn cả về thể chất lẫn trí tuệ.

Quan tâm cải thiện dinh dưỡng trẻ em thuộc hộ nghèo

Theo thống kê, tình hình phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng trên địa bàn Vĩnh Long là trên 10.160 người. Trong đó, có 345 trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng.

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC)- Huỳnh Thanh Tân cho biết: “Mục tiêu ngành hướng tới nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng và giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe và nâng cao thể trạng tầm vóc của trẻ em dưới 16 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo năm 2023”.

Hàng loạt các giải pháp giúp cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em đã và đang được ngành y tế quan tâm thực hiện tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu nhằm giảm 1% tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi và 1% tỷ lệ suy dinh dưỡng thể gầy còm ở trẻ em dưới 5 tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn so với đánh giá ban đầu.

Cụ thể, vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm, các trạm y tế đồng loạt cho trẻ từ 6-36 tháng, trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, tiêu chảy, sởi, viêm đường hô hấp cấp và phụ nữ sau sinh bổ sung vitamin A lồng ghép vào chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.

Nhờ tăng cường công tác tuyên truyền và vận động người dân hiểu được tầm quan trọng của việc bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ nên kết quả thực hiện chiến dịch uống vitamin A của tỉnh đã đạt theo yêu cầu đề ra.

Chị Lê Loan Trúc (xã Hòa Thạnh, huyện Tam Bình) cho biết: “Không cần trạm nhắc, mà cứ tới 1/6 và 1/12 là chị dẫn con ra trạm y tế xã uống vitamin A. Tới tháng 12 tới, con gái nhỏ của chị sẽ được uống liều đầu tiên”.

Để đánh giá tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi, CDC tỉnh kết hợp với trạm y tế các xã, phường, thị trấn thực hiện cân, đo chiều cao cho trẻ dưới 5 tuổi, từ đó đánh giá được tình trạng sức khỏe của trẻ và tư vấn cho người chăm sóc trẻ các giải pháp để cải thiện dinh dưỡng cho trẻ.

“Tổ chức hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ có con nhỏ và phụ nữ mang thai nhằm nâng cao kiến thức về thực hành dinh dưỡng, giúp họ biết cách chăm sóc bữa ăn cho con đúng cách, vừa hướng đến mục tiêu phát triển thể trạng theo độ tuổi, vừa phòng trẻ bị suy dinh dưỡng hay béo phì.

Các buổi thực hành dinh dưỡng đã giúp cho các bà mẹ biết cách chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ tốt hơn, nhất là đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo”- BS.CK1 Trần Thị Ái Chi- Khoa Sức khỏe sinh sản- Dinh dưỡng, CDC tỉnh, cho biết.

Với nhiều giải pháp được triển khai sẽ tác động tích cực giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng, giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em hàng năm.

Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước dành cho trẻ em ở các gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tăng cường các hoạt động hỗ trợ cho các em có thêm dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe và sức đề kháng để phát triển tốt hơn cả về thể chất lẫn trí tuệ.

Theo kế hoạch thực hiện “Cải thiện dinh dưỡng” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023, ngành y tế tỉnh phấn đấu tăng tỷ lệ trẻ em dưới 16 tuổi suy dinh dưỡng được bổ sung đa vi chất, dinh dưỡng và tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được cung cấp miễn phí viên đa vi chất đạt độ bao phủ tối thiểu là 60%.

Ngoài ra, tăng thêm 5% so với năm 2022 tỷ lệ trẻ em từ 6-23 tháng tuổi ăn bổ sung đúng, đủ và đạt độ bao phủ 80% hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng trong tình huống khẩn cấp (nếu có).

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh