Sàng lọc trước sinh, sơ sinh để nâng cao chất lượng dân số

05:07, 11/07/2023

Tầm soát, sàng lọc trước sinh (SLTS) và sàng lọc sơ sinh (SLSS) là 2 biện pháp dự phòng nhằm phát hiện những bất thường của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ và sau khi trẻ ra đời.

Trẻ em được lấy máu gót chân sau khi chào đời từ 48-72 giờ.
Trẻ em được lấy máu gót chân sau khi chào đời từ 48-72 giờ.

(VLO) Tầm soát, sàng lọc trước sinh (SLTS) và sàng lọc sơ sinh (SLSS) là 2 biện pháp dự phòng nhằm phát hiện những bất thường của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ và sau khi trẻ ra đời.

Đây là một trong những đề án trọng tâm được Vĩnh Long đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng dân số. Qua nhiều năm triển khai và quan tâm thực hiện, đề án đã dần phát huy hiệu quả, nhiều người đã chủ động sàng lọc sức khỏe bảo vệ thế hệ tương lai phát triển khỏe mạnh.

Giảm gánh nặng bệnh tật bẩm sinh

Mang thai an toàn, sinh con khỏe mạnh là mong ước của mọi gia đình. Đáng lo ngại, vấn đề dị tật thai nhi hiện ở mức báo động.

Theo thông tin từ Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, mỗi năm Việt Nam có khoảng hơn 40.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh, trong đó hơn 1.700 trẻ sơ sinh tử vong.

Song, nếu thai phụ được SLTS kết hợp với SLSS sẽ loại bỏ được 95% những dị tật bất thường và cho ra đời những đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh.

Chủ quan vì nghĩ sinh con đầu khỏe mạnh, gia đình mọi người đều khỏe, không mang bệnh di truyền nên khi mang thai con thứ 2, chị T.N.A. (34 tuổi, TP Vĩnh Long) không thực hiện xét nghiệm SLTS theo lời khuyên của bác sĩ.

Kết quả, chị A. vô cùng ân hận khi con sinh ra bị mắc hội chứng down (bất thường về thể chất và trí tuệ).

Trong những năm qua, Vĩnh Long triển khai có hiệu quả Đề án “SLTS và SLSS”. Đề án được triển khai tại 8 huyện, thị, thành phố, đây là một trong những đề án quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng dân số.

Mới mang thai lần đầu nên với em Nguyễn Tuyết Ngân (phường Trường An, TP Vĩnh Long) còn nhiều điều bỡ ngỡ.

“Em mang thai 13 tuần, đến khám và được các y, bác sĩ tư vấn về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi. Đặc biệt, em được bác sĩ sản phụ khoa tại Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long tư vấn kỹ phương pháp khám SLTS và các giai đoạn phát hiện dị tật sớm ở thời điểm 12 tuần và 21 tuần”- Tuyết Ngân chia sẻ.

TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, lưu ý: “SLTS giúp bác sĩ phát hiện sớm dị tật bẩm sinh nặng, các bệnh lý về gien hoặc bất thường nhiễm sắc thể khiến trẻ sinh ra có nguy cơ giảm thiểu trí tuệ như hội chứng down, trisomy, thalassemia…

Chẩn đoán sớm dị tật thai nhi có thể can thiệp sửa chữa sau sinh như chẻ vòm, sứt môi, tay chân khoèo… Các cặp vợ chồng cũng được chuẩn bị tâm lý tốt hơn khi đón con chào đời”.

TS.BS Hồ Thị Thu Hằng khuyến cáo, phụ nữ trước khi mang thai cần được bác sĩ sản phụ khoa tư vấn về chăm sóc sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, các mốc khám thai không thể bỏ qua.

Mẹ bầu nào cũng có nguy cơ mang thai dị tật. Song, một số trường hợp thuộc nguy cơ cao cần lưu ý sàng lọc và thăm khám kỹ lưỡng như mang bầu khi trên 35 tuổi, thường xuyên dùng chất kích thích khi mang thai, béo phì với chỉ số BMI > 30, mắc bệnh đái tháo đường trước khi có thai, do di truyền…

Sàng lọc nâng cao chất lượng dân số

Tại Vĩnh Long sau hơn 11 năm triển khai, đề án SLSS đã và đang phát huy hiệu quả, với nhiều trẻ mắc bệnh được phát hiện và điều trị kịp thời.

Nhờ phát hiện sớm con gái bị thiếu men G6PD thông qua xét nghiệm máu gót chân, gia đình chị Huỳnh Thị Lan Oanh (xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm) đã tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của nhân viên y tế trong quá trình nuôi con nên bé đã phát triển khỏe mạnh như bao trẻ khác.

“Con tôi sanh ở bệnh viện tỉnh cũng nhờ y tá lấy máu gót chân tầm soát nên phát hiện ra cháu thiếu chất men. Bác sĩ tư vấn mẹ cho con bú cữ ăn các loại đậu và không cho bé ăn đậu luôn. Khi bé bệnh đến trạm hoặc bệnh viện khám, không tự ý mua thuốc.

Gia đình tôi cũng làm theo tới nay cháu vẫn phát triển bình thường, tới nay cháu học lớp 9”- chị Lan Oanh cho biết.

Theo BS.CK2 Trần Mỹ Dung- Phó Khoa Sản BVĐK Vĩnh Long, SLSS là một biện pháp dự phòng hiện đại, bằng cách lấy máu gót chân ở trẻ sơ sinh từ ngày 2 đến ngày 6, tốt nhất 48 giờ sau sinh.

Để tìm kiếm phát hiện ra các bệnh liên quan đến nội tiết, rối loạn di truyền ngay khi đứa trẻ vừa ra đời, cho phép phát hiện một số bệnh lý và tật, bệnh bẩm sinh như: thiểu năng trí tuệ, thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh và tử vong sớm do tan máu bẩm sinh… ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tâm thần, thậm chí tử vong nếu không được điều trị sớm.

Để tiếp tục thực hiện đề án SLTS và SLSS có hiệu quả, mạng lưới cung cấp dịch vụ đã được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động đã giúp người dân hiểu được lợi ích và tầm quan trọng của việc khám SLTS, SLSS.

Đưa cháu nội đi xét nghiệm lấy máu gót chân, chị Huỳnh Thanh Trúc (xã An Phước, huyện Mang Thít) cho biết: “Bác sĩ tư vấn chỉ cần lấy vài giọt máu gót chân sau đó làm xét nghiệm sàng lọc sẽ giúp phát hiện những bệnh lý về nội tiết, rối loạn chuyển hóa... để nếu lỡ bé có bệnh thì bác sĩ trị kịp thời nên cả nhà tôi làm liền”.

Theo bà Phạm Thị Thuận- Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, đề án SLTS và SLSS là giải pháp quan trọng nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh, tật ở thai nhi và trẻ sơ sinh, giúp cho trẻ sinh ra phát triển bình thường hoặc tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

“Với những lợi ích, ý nghĩa của việc SLTS và SLSS, các gia đình, đặc biệt là những phụ nữ có ý định mang thai, sinh con hãy quan tâm hơn, chủ động đi khám sàng lọc ngay từ khi mang thai để cho ra đời những em bé khỏe mạnh và bảo vệ, chăm sóc tốt cho con”- bà Phạm Thị Thuận nói.

Theo Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình, trong 6 tháng đầu năm, có 3.288 trường hợp được khám SLTS và 3.563 trường hợp được khám SLSS. Trong các trường hợp được khám SLTS và SLSS đã phát hiện ra 3 trường hợp trẻ bị bệnh thiếu men G6PD được quản lý, theo dõi; tư vấn và 6 trường hợp thai phụ có nguy cơ cao.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh