Không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

05:07, 20/07/2023

Mùa mưa là môi trường thuận lợi cho muỗi vằn phát triển gây bệnh sốt xuất huyết (SXH). Để kiểm soát được bệnh SXH không chỉ có ngành y tế mà cần sự chung tay góp sức của các ban, ngành, đoàn thể và từ cộng đồng triển khai đồng bộ về phòng chống bệnh. Và quan trọng nhất, người dân không được chủ quan, cần tích cực tham gia diệt muỗi, lăng quăng, thực hiện vệ sinh môi trường phòng bệnh.

Người dân xã Tân Hạnh (Long Hồ) được nhân viên y tế tuyên truyền phòng bệnh sốt xuất huyết.
Người dân xã Tân Hạnh (Long Hồ) được nhân viên y tế tuyên truyền phòng bệnh sốt xuất huyết.

(VLO) Mùa mưa là môi trường thuận lợi cho muỗi vằn phát triển gây bệnh sốt xuất huyết (SXH). Để kiểm soát được bệnh SXH không chỉ có ngành y tế mà cần sự chung tay góp sức của các ban, ngành, đoàn thể và từ cộng đồng triển khai đồng bộ về phòng chống bệnh. Và quan trọng nhất, người dân không được chủ quan, cần tích cực tham gia diệt muỗi, lăng quăng, thực hiện vệ sinh môi trường phòng bệnh.

Nguy cơ bệnh sốt xuất huyết từ vật dụng trong nhà

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Vĩnh Long ghi nhận trên 750 trường hợp mắc SXH và gần 230 ổ dịch SXH nhỏ.

Trong thực tế, nơi sinh sản của muỗi hình thành từ nếp sinh hoạt của cư dân. Hành động của mỗi người, mỗi nhà là yếu tố quan trọng góp phần phòng chống thành công bệnh SXH.

Những đồ vật lâu ngày không dùng đến bị vứt bỏ xung quanh nhà sẽ là nơi sinh sản lý tưởng của muỗi SXH khi mùa mưa đến. Chỉ cần một ít nước đọng trong xô, chậu, vỏ xe, vỏ dừa, lu khạp không đậy nắp, bình hoa,… bị bỏ quên cũng trở thành một ổ lăng quăng.

Hay thậm chí, ít ai ngờ rằng khay hứng nước từ tủ lạnh, bình nước nóng lạnh hay từ máy lạnh đều có khả năng trở thành ổ lăng quăng.

“Vì vậy, chỉ khi mỗi người, mỗi nhà chủ động truy tìm và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi. Những dụng cụ nào không cần thiết thì tuyệt đối không được chứa nước thì bệnh SXH mới được kiểm soát”- Phó Giám đốc CDC tỉnh- Huỳnh Thanh Tân nhấn mạnh.

Để khống chế không để bệnh SXH bùng phát thành dịch trong các tháng mùa mưa, tỉnh đang tích cực triển khai chiến dịch diệt lăng quăng phòng bệnh SXH.

Bên cạnh, ngành y tế tiếp tục phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các địa phương có nhiều ca mắc bệnh và xuất hiện nhiều ổ dịch SXH nhỏ, nhằm diệt muỗi trưởng thành và đang mang
mầm bệnh.

Nhân viên y tế và cộng tác viên tiến hành phát tờ rơi tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân các biện pháp diệt lăng quăng, xóa môi trường sinh sản của muỗi phòng bệnh SXH.

Bà Nguyễn Thị Thu (xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ) cho biết: “Cán bộ y tế xã tới tận nhà nhắc người dân đổ nước đọng trong lu khạp, lật úp vỏ dừa,… để chủ động diệt lăng quăng bằng cách che đậy kín các dụng cụ chứa nước trong gia đình, phòng tránh muỗi đốt”.

Nhà chú Dương Lê Ngọc (ấp Tân Hòa, xã Tân Hạnh) được nhân viên y tế xuống nhà phun thuốc diệt muỗi diện rộng. “Nhà có 2 người bệnh SXH cách đây vài tháng.

Bệnh khởi điểm sốt cao, sau đó nhập viện điều trị và gia đình có thông báo trạm y tế xã hay, sau đó có nhân viên xuống phun xịt thuốc ngay. Nay xã tiếp tục xịt nữa nên càng an tâm hơn, nhất là trong thời điểm mưa nhiều dễ xuất hiện muỗi”.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Hồ Nguyễn Thị Ngọc Bích, bệnh SXH đang gia tăng số ca mắc, ngành y tế đang tích cực phòng chống bệnh.

Ngành triển khai các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh như diệt lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi diện rộng, tập trung ở các khu vực trọng điểm; giám sát xử lý ổ dịch. Đồng thời, các xã, người dân cùng triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường để diệt lăng quăng, diệt muỗi.

Chủ động triển khai các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết

Người bệnh không được chủ quan khi bị sốt cao liên tục mà cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán điều trị kịp thời.
Người bệnh không được chủ quan khi bị sốt cao liên tục mà cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán điều trị kịp thời.

SXH là bệnh truyền nhiễm lưu hành quanh năm ở khu vực phía Nam. Bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm và có thể tử vong. Hiện bệnh chưa có vaccine phòng ngừa.

Nhận định của ngành chuyên môn, các trường hợp mắc bệnh SXH năm nay diễn biến rất khó lường, số ca mắc tăng kéo theo số ca bệnh nặng cũng tăng, chiếm 2,6%. Trước tình hình này công tác giám sát ca bệnh được thực hiện chặt chẽ từ cơ sở khám, chữa bệnh đến hệ thống dự phòng.

Chăm con điều trị SXH tại Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long, chị Trần Thị Ngọc Lan (TT Cái Nhum, huyện Mang Thít) cho biết: “Mấy ngày đầu, gia đình nghĩ con bị nhiễm sốt siêu vi thôi, có đưa đi khám ở ngoài và có uống thuốc. Nhưng con sốt 3 ngày liên tục không giảm nên đi bệnh viện. Xét nghiệm biết SXH, bác sĩ cho nhập viện ngay”.

Theo BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Khoa Nhi, phụ huynh có thể dựa trên dấu hiệu bệnh lý để nhận biết mức độ bệnh, giai đoạn đầu bệnh SXH có thể sốt, đau nhức người, mệt mỏi (một số trẻ lớn có thể nói cho phụ huynh biết các triệu chứng này) và sốt cao khó hạ.

Đến ngày thứ 3, người bệnh có thể có dấu hiệu xuất huyết ngoài da, chảy máu mũi, chảy máu răng hay ói.

SXH biến chứng nặng sẽ từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 với các triệu chứng như đau bụng nhiều, có thể có ói, tay chân lạnh, vật vã li bì.

Yếu tố dịch tễ cũng là cơ sở quan trọng để định hướng chẩn đoán bệnh, ví dụ có thể người thân trong nhà đã bị SXH gần đây hoặc môi trường xung quanh nhà có nhiều muỗi thì trẻ cũng dễ mắc SXH.

Để phòng bệnh SXH, phụ huynh cần tích cực diệt muỗi, lăng quăng, ngủ mùng. Nên theo dõi trẻ đặc biệt là trẻ nhũ nhi, trẻ béo phì, trẻ có bệnh nền để phát hiện các dấu hiệu cảnh báo bệnh sớm nhất nhằm đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.

“Phụ huynh cần theo dõi, khi trẻ sốt cao liên tục, khó hạ sốt dù đã uống thuốc hạ sốt, sốt liên tục từ ngày thứ 2 trở đi thì phải đưa đến khám tại các cơ sở y tế để được xét nghiệm máu xác định chẩn đoán bệnh SXH, tránh để quá muộn sẽ diễn tiến nặng và tổn thương các cơ quan”- BS Trần Chí Công khuyên.

Với diễn biến thời tiết thất thường như hiện nay, nguy cơ dịch SXH bùng phát là quanh năm. Cùng với ngành y tế, giải pháp phòng ngừa hiệu quả nhất phụ thuộc vào mỗi người dân, mỗi hộ gia đình.

Ngành y tế Vĩnh Long kêu gọi người dân “mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng” và thực hiện các biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trong năm 2023 và 2024 hiện tượng El Nino có thể làm gia tăng sự lây truyền bệnh SXH và các loại arbovirus khác như Zika, Chikungunya, viêm não Nhật Bản. Hiện tượng biến đổi khí hậu cũng thúc đẩy muỗi sinh sản và gia tăng các bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền. Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành chỉ đạo triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động diệt lăng quăng trên địa bàn ngay trong tháng 7 này.

Bài, ảnh: QUYÊN LIỄU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh