Dấu hiệu trẻ biến chứng tay chân miệng

11:07, 18/07/2023

Theo các bác sĩ, đa phần trẻ mắc tay chân miệng (TCM) diễn biến nhẹ, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm.

(VLO) Theo các bác sĩ, đa phần trẻ mắc tay chân miệng (TCM) diễn biến nhẹ, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Bệnh nhi mắc tay chân miệng nhập viện tăng tại BVĐK Vĩnh Long.
Bệnh nhi mắc tay chân miệng nhập viện tăng tại BVĐK Vĩnh Long.

Những biến chứng của bệnh tay chân miệng

Với sự xuất hiện của EV71, dịch bệnh TCM năm nay dự báo sẽ có những diễn biến khó lường với việc gia tăng số ca chuyển nặng, dễ gây các biến chứng và có thể tử vong. Do đó, các bậc phụ huynh cần chú ý quan tâm đến sức khỏe trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi.

Bệnh TCM gây tổn thương ở tay, chân và miệng, lây qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh gây tổn thương bóng nước trong miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối. Bệnh thường diễn tiến tự nhiên nhưng cũng có những biến chứng.

Đáng lo ngại nhất là ảnh hưởng đến thần kinh và tim mạch dẫn đến tử vong rất nhanh. Chuyên gia bệnh truyền nhiễm khuyến cáo, người dân cần chú ý cập nhật các kiến thức xử trí, các dấu hiệu cho thấy con em mắc TCM. Với căn bệnh này, chỉ cần chậm một giờ đồng hồ là tình trạng và việc điều trị đã thay đổi.

Điều nguy hiểm của bệnh TCM so với một số bệnh khác là trước khi trở nặng thường ở giai đoạn yên bình. Đa số trẻ sốt nhưng vẫn chơi, tỉnh táo khiến phụ huynh dễ lầm tưởng.

Hoặc, trẻ được mẹ ôm suốt, đến lúc thả ra mới thấy trẻ hoảng hốt giật mình chới với. Một số trường hợp, phụ huynh cứ nghĩ đợi trời sáng, tạnh mưa mới đi viện, dẫn đến trẻ nhập viện trễ. Khi đã qua giai đoạn vàng rồi thì bệnh tiếp diễn chuyển biến rất nhanh.

BS.CK1 Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng Khoa Nhi Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, khuyến cáo về nguy cơ trẻ có thể bị TCM nhiều lần.

Do lượng kháng thể tạo ra mỗi lần mắc bệnh giảm dần theo thời gian, ngoài ra virus gây TCM còn có hơn 10 chủng khác nhau thuộc nhóm virus đường ruột, nên bệnh nhân có thể bị mắc bệnh nhiều đợt.

Vừa xuất viện được 4 ngày sau một tuần điều trị bệnh TCM cho con, chị N.B.N. (huyện Cái Bè, Tiền Giang) phải đưa con quay lại Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long vì con sốt và miệng có vết loét.

“Một tuần điều trị ở bệnh viện, sức khỏe con ổn định và bác sĩ cho xuất viện. Nhưng về nhà được 4 ngày con lại sốt, quấy khóc”- chị N. chia sẻ.

Theo BS Tuyết Mai, biểu hiện bệnh TCM thường bắt đầu với triệu chứng sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng. Từ 1-2 ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở xuất hiện trong miệng gây đau rát.

Cha mẹ nên chú ý dấu hiệu lòng bàn tay của trẻ có nổi nốt, miệng loét, vài ngày trước trẻ đau miệng, chảy nước bọt để phát hiện sớm phòng biến chứng.

Với trường hợp bệnh nặng sẽ có các triệu chứng như sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt; mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ; giật mình nhiều (>= 2 lần trong 30 phút); ra mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân; thở nhanh, thở bất thường: ngưng thở, rút lõm ngực, khò khè; run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.

“Do bệnh TCM chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng”- BS Tuyết Mai lưu ý.

Vĩnh Long đảm bảo công tác điều trị bệnh tay chân miệng

Khi trẻ có triệu chứng nghi ngờ bệnh tay chân miệng, cần đưa đi khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp.
Khi trẻ có triệu chứng nghi ngờ bệnh tay chân miệng, cần đưa đi khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp.

Theo ngành y tế Vĩnh Long cũng như nhiều tỉnh thành khác trong khu vực, tình hình bệnh TCM trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng. Hiện, ngành y tế vẫn đảm bảo công tác điều trị, tăng cường giám sát ca bệnh và đẩy mạnh các biện pháp khống chế kịp thời không để bệnh lây lan bùng phát thành dịch trên địa bàn.

Từ giữa tháng 6 đến nay, số ca mắc bệnh TCM trên địa bàn tỉnh liên tục tăng và ghi nhận trên dưới 30 ca mỗi tuần, cao hơn 40% so với tháng trước. Đáng lưu ý, số ca mắc tuần 27 năm 2023 tăng 80% so với tuần 26 năm 2023 (31 ca).

Trong đó, có nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú, nâng số trường hợp mắc bệnh TCM từ đầu năm đến nay gần 370 ca.

Với số ca mắc TCM ghi nhận điều trị tại các cơ sở y tế hiện nay, ngành y tế triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo công tác điều trị và dự phòng.

Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế, ngành y tế tập trung theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh; tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe tới người dân về dấu hiệu, dấu hiệu chuyển nặng và biện pháp phòng chống bệnh TCM, thực hiện 3 sạch “ăn sạch, uống sạch, ở sạch”; đảm bảo bàn tay sạch và đồ chơi sạch.

Đồng thời, điều tra, xử lý ngay trong vòng 48 giờ khi phát hiện ca tân phát hoặc ổ dịch TCM; hướng dẫn cụ thể cách sử dụng cloramin B 2% cho người dân, trường học.

Bên cạnh đó kiểm tra, đánh giá về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất và vật tư y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận và điều trị bệnh TCM.

“Tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, theo dõi người bệnh TCM đang nằm nội trú.

Phát hiện sớm, tổ chức hội chẩn và chuyển tuyến kịp thời khi người bệnh có diễn biến bất thường. Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiếp tục hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến cho đội ngũ y tế trên địa bàn tỉnh về công tác điều trị bệnh TCM để xử trí kịp thời, hạn chế thấp nhất tình trạng nguy kịch”- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết.

Theo đánh giá của ngành y tế, hiện số ca mắc TCM đang có xu hướng gia tăng, số ca nặng từ đầu năm đến nay ghi nhận 14 ca mắc từ độ 2b trở lên, tăng 14 ca so với cùng kỳ. Các ca bệnh nặng đa số tập trung tại TP Vĩnh Long, Long Hồ, Bình Tân. Bên cạnh đó các ca mắc EV71 đang gia tăng nhanh tại TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ, trẻ vào thời điểm nghỉ hè, các nhà trẻ tư nhân và nhóm trẻ tự phát gia tăng tiềm ẩn nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh