Chủ động phòng, chống bệnh lao ở trẻ em

05:07, 19/07/2023

Với mục tiêu phát hiện sớm những trường hợp mắc lao và lao tiềm ẩn trong nhóm trẻ em và vị thành niên (0-19 tuổi), những ngày trung tuần tháng 7, Bệnh viện Phổi tỉnh phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn huyện Tam Bình, Trà Ôn và Vũng Liêm triển khai khám sàng lọc cho hàng ngàn trẻ là con em đồng bào dân tộc Khmer.

 

BS.CK2 Huỳnh Thị Mỹ Tiên tư vấn và hướng dẫn các thông tin cần thiết trong phòng chống bệnh lao tại cộng đồng tại xã Ngãi Tứ (Tam Bình) vào sáng 18/7.
BS.CK2 Huỳnh Thị Mỹ Tiên tư vấn và hướng dẫn các thông tin cần thiết trong phòng chống bệnh lao tại cộng đồng tại xã Ngãi Tứ (Tam Bình) vào sáng 18/7.

(VLO) Với mục tiêu phát hiện sớm những trường hợp mắc lao và lao tiềm ẩn trong nhóm trẻ em và vị thành niên (0-19 tuổi), những ngày trung tuần tháng 7, Bệnh viện Phổi tỉnh phối hợp với các đơn vị y tế trên địa bàn huyện Tam Bình, Trà Ôn và Vũng Liêm triển khai khám sàng lọc cho hàng ngàn trẻ là con em đồng bào dân tộc Khmer.

Đây là một trong những giải pháp chiến lược trong chương trình mục tiêu chống lao quốc gia, hướng tới loại trừ bệnh lao vào năm 2030.

Tầm soát lao cộng đồng cho trẻ em

Trẻ em là đối tượng dễ bị tác động bởi các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh lao vì miễn dịch của trẻ còn yếu. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 13.000 trẻ em mắc lao các thể cần điều trị. Chương trình Chống lao Quốc gia mới chỉ thống kê được khoảng 10-15% số trẻ mắc mới.

Có thể rất nhiều trẻ mắc lao chưa được phát hiện và điều trị. Hoặc không loại trừ có không ít trẻ mắc lao điều trị tại bệnh viện tư, cơ sở chuyên khoa nhi… mà chưa được báo cáo với chương trình chống lao quốc gia.

Do đó, việc tầm soát lao ở trẻ có vai trò rất quan trọng nhằm chủ động phát hiện những trường hợp mắc lao đang tiềm ẩn, giúp bệnh nhân sớm điều trị, tránh lây lan trong cộng đồng.

Sáng 18/7, mặc cho trời mưa nhưng tại Trường THCS Ngãi Tứ (Tam Bình) vẫn có đông người dân đưa con em đến tầm soát bệnh lao.

Anh Lại Trường Thạnh đưa 3 con đến tầm soát, cho biết: “Nghe thông tin bác sĩ về tầm soát bệnh lao cho trẻ em nên dù trời mưa tui cũng tranh thủ đưa 3 đứa con đi khám. Khám có bệnh thì mình điều trị sớm cho con, không có thì con cũng được kiểm tra sức khỏe, an tâm lắm”.

Chờ con chụp X quang, chị Nguyễn Thị Cẩm Tú chia sẻ: “Chồng tôi cũng vừa điều trị lao hết được 6 tháng. Lúc đó chồng tôi cũng nghe lời khuyên bác sĩ luôn đeo khẩu trang, không ho, khạc đờm; ăn riêng, chén ly để riêng và trụng nước sôi nữa, tránh gần vợ con cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn. Nay đưa các con đến kiểm tra xem có bị bệnh không”.

Không chỉ là phát hiện và chữa bệnh lao, hoạt động tầm soát lao chủ động đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về căn bệnh này, từ các triệu chứng đến cách phòng tránh lây bệnh.

Chị Thạch Thị Liễu (ấp Kỳ Son, xã Loan Mỹ) phấn khởi: “Tui đưa con và em trai đi khám. Đây là lần đầu tiên tụi nhỏ được đi khám tầm soát bệnh lao. Chương trình này giúp cho mấy nhỏ khám để phụ huynh yên tâm cho con cháu mình”.

Còn chị Thạch Thị Hạnh (ấp Giữa, xã Loan Mỹ) cho biết: “Khám xong, con tui bình thường hổng có bệnh. Tui thấy chương trình này rất là hay và bổ ích. Người dân còn được phát tờ giấy để hiểu về căn bệnh lao và cách phòng bệnh lao, đặc biệt phòng bệnh cho con”.

Chủ động phòng, chống bệnh lao ở trẻ em

Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm, do vi khuẩn lao gây ra, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Vi khuẩn thường tấn công vào phổi, cũng có thể gây tổn thương ở những cơ quan khác như não, tủy, thận và cơ xương khớp.

Dù vậy, không phải ai mang vi khuẩn lao cũng mắc bệnh lao. Những người mang vi khuẩn lao nhưng không gây thành bệnh, gọi là nhiễm lao tiềm ẩn. Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy giảm sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh lao.

Tỷ lệ trẻ em bị bệnh lao mỗi năm chiếm khoảng 15% trong tổng số các ca mới. Bệnh lao có thể phòng ngừa, bệnh nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể khỏi hẳn.

Theo BS.CK2 Huỳnh Thị Mỹ Tiên- Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính- chỉ đạo tuyến và điều dưỡng Bệnh viện Phổi Vĩnh Long, nhằm phát hiện sớm và đưa vào điều trị nhiều nhất có thể các trường hợp lao trong cộng đồng, thì chương trình phòng chống lao quốc gia triển khai sàng lọc lao trong cộng đồng ở nhiều nhóm đối tượng, trong đó, có những đối tượng nguy cơ đó là trẻ em và trẻ vị thành niên.

Lao là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nên tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh lao, trong đó, có trẻ em. Phòng bệnh lao là làm giảm nguy cơ nhiễm lao và giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang bệnh lao.

Hoạt động khám sàng lọc đợt này gồm điều tra, lập danh sách trẻ, và đặc biệt là trẻ có yếu tố nguy cơ, tiếp xúc với người mắc bệnh lao, người thân bệnh lao,… hoặc trẻ có yếu tố suy dinh dưỡng, hoặc bệnh hô hấp kéo dài trong 1 năm,… thì được mời đến.

Trẻ đến khám được chụp X quang phổi, nếu có yếu tố bất thường sẽ được xét nghiệm mantoux và cho xét nghiệm Xpert trên đàm (nếu trẻ lớn) hoặc trên phân (trẻ nhỏ). Sau khi làm xong, nếu có những trường hợp chẩn đoán lao và tiềm ẩn bệnh lao thì sẽ được điều trị.

“Để bảo vệ trẻ trước căn bệnh lao, các bậc cha mẹ cần quan tâm tiêm vaccine ngừa lao BCG trong vòng 1 tuần đầu đời nhằm ngăn chặn lao sơ nhiễm, tránh để trẻ bị suy dinh dưỡng và không cho trẻ tiếp xúc với người mắc bệnh.

Khi trẻ thường xuyên có biểu hiện ho, sốt, đổ mồ hôi trộm, không tăng cân, mệt mỏi, chán ăn, cần đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa lao để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời”- BS.CK2 Huỳnh Thị Mỹ Tiên nhấn mạnh.

BS.CK2 Huỳnh Thị Mỹ Tiên khuyến cáo: Phòng bệnh lao là làm giảm nguy cơ nhiễm lao và giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang bệnh lao. Việc phát hiện sớm bệnh nhân lao, điều trị hiệu quả, cách ly giúp giảm phơi nhiễm. Trẻ em nếu có phơi nhiễm cần được sàng lọc tại cơ sở y tế và theo dõi.

Tiêm phòng lao chỉ giúp cho trẻ tránh được những thể lao nặng, giúp cơ thể có nhận diện trước về vi khuẩn lao, có kháng thể ban đầu, tránh những thể lao nặng, chứ không hoàn toàn phòng ngừa hoặc tránh được bệnh lao. Do đó, đã tiêm ngừa lao hoàn toàn có thể mắc bệnh do tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh.

Bên cạnh đó, kiểm soát vệ sinh môi trường, giảm tiếp xúc nguồn lây, điều trị lao tiềm ẩn. Lao là bệnh hô hấp, do đó, việc đeo khẩu trang tại nơi đông người và thay đổi thói quen không khạc nhổ bừa bãi để tránh trường hợp lây lan trong cộng đồng.

Bài, ảnh: QUYÊN ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh