Cảnh báo bệnh sốt xuất huyết nặng ở trẻ em

05:07, 02/07/2023

Thông tin từ BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến- Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố, BV vừa cứu sống nhiều trường hợp trẻ sốc sốt xuất huyết (SXH) nặng, biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy đa cơ quan.

 

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến thăm khám cho bệnh nhi bị SXH nặng vừa điều trị tích cực, qua cơn nguy kịch vào ngày 29/6.
BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến thăm khám cho bệnh nhi bị SXH nặng vừa điều trị tích cực, qua cơn nguy kịch vào ngày 29/6.

(VLO) Thông tin từ BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến- Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi đồng Thành phố, BV vừa cứu sống nhiều trường hợp trẻ sốc sốt xuất huyết (SXH) nặng, biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu xuất huyết tiêu hóa, tổn thương gan, suy đa cơ quan.

Trẻ mắc SXH nặng liên tiếp nhập viện

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến cho biết, hiện BV Nhi đồng thành phố đang tiếp nhận hơn 20 ca SXH trong đó có nhiều ca nặng phải thở máy. Trong tuần qua, BV cũng đã nỗ lực cứu sống nhiều trường hợp trẻ sốc SXH nặng, biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu...

Theo đó, trường hợp đầu tiên là bé gái P.L.C (8 tháng tuổi, ngụ Đồng Tháp) nhập viện trong tình trạng tổn thương gan, thận nặng. Bệnh sử, ngày 1 đến ngày 3 bé sốt cao liên tục. Ngày 4 bé vẫn sốt kèm nôn ói, tay chân lạnh nên nhập viện địa phương điều trị.

“Trẻ dư cân béo phì dễ mắc các biến chứng hơn ví dụ như tổn thương gan, rối loạn đông máu, sốc kéo dài, xuất huyết nặng.... Chính vì vậy, trẻ dư cân béo phì cần theo dõi sát và cần được ưu tiên nhập viện ngay cả khi trẻ chưa có dấu hiệu cảnh báo như đau bụng, nôn ói nhiều, hoặc xuất huyết.” TS.BS Nguyễn Minh Tuấn- Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh khuyến cáo.

Tại đây, bé được chẩn đoán sốc SXH Dengue. Bác sĩ đã truyền dịch chống sốc theo phác đồ nhưng bé diễn tiến nặng do sốc kéo dài rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa, suy hô hấp nên bé tiếp tục được chống sốc tích cực, đặt nội khí quản thở máy, truyền các chế phẩm máu.

Sau điều trị 3 ngày tại BV địa phương, bé tổn thương gan thận nặng nên được chuyển đến BV Nhi đồng Thành phố cấp cứu.

Tại đây các bác sĩ tiếp tục điều trị hỗ trợ hô hấp, điều chỉnh rối loạn đông máu, kiềm toan, điều trị hỗ trợ gan, và được tiến hành lọc máu liên tục 3 đợt.

Đến nay tình trạng trẻ cải thiện dần, tiểu khá, chức năng gan thận trở về bình thường, được cai máy thở, tỉnh táo, bú khá.

Hay như trường hợp trẻ L.H. V (11 tuổi, nữ, cân nặng 54 kg, ngụ Long An, dư cân - bình thường ở lứa tuổi này cân nặng 30-34 kg) có bệnh sử sốt 4 ngày, ngày thứ 5 nhập BV địa phương trong tình trạng sốc sâu, được truyền dịch chống sốc theo phác đồ.

Sau đó chuyển BV Nhi đồng Thành phố, trong tình trạng sốc kéo dài, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan.

Các bác sĩ đã truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp thở máy, chọc dò dẫn lưu màng bụng giải áp, truyền máu, điều trị hỗ trợ gan, điều chỉnh toan máu… Sau gần 1 tuần điều trị tình trạng trẻ cải thiện dần, cai máy thở, tỉnh táo.

Trường hợp thứ 3, bé trai T.Q.B (3,5 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) sau 3 ngày sốt bé được đưa đến BV cấp cứu trong tình trạng sốc sâu. Tại đây, bé được chẩn đoán sốc SXH Dengue nặng nên bác sĩ đã truyền dịch chống sốc.

Tuy nhiên, do diễn tiến nặng bé có biến chứng suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan nên tiếp tục được được truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp thở máy, chọc dò dẫn lưu màng bụng giải áp, truyền máu và chế phẩm máu, điều trị hỗ trợ gan, điều chỉnh toan máu. Kết quả sau gần 1 tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, cai máy thở, tỉnh táo.

Bệnh dễ nhầm lẫn với bệnh khác, phụ huynh cần đề cao cảnh giác

Qua các ca bệnh trên, Phó  giám đốc BV Nhi đồng  Thành phố khuyến cáo các bậc phụ huynh cần tích cực phòng bệnh cho trẻ. Hiện nay SXH chưa có vaccine phòng bệnh và chưa có thuốc đặc trị cho nên biện pháp phòng bệnh an toàn, hiệu quả nhất đó chính là thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi tại khu vực sinh sống, kết hợp với ngủ mùng.

Bệnh SXH thường có các triệu chứng đa dạng giống với các bệnh khác như tay chân miệng, sốt rét, sốt siêu vi, sốt phát ban ... Ngay cả khi trẻ đã từng mắc SXH rồi vẫn có khả năng mắc thêm các lần sau. Bệnh SXH có thể dẫn đến tình trạng trụy tim mạch, xuất huyết nặng, suy hô hấp gây tử vong. Vì vậy, trẻ cần được chẩn đoán bệnh sớm và điều trị kịp thời.

Vậy nên phụ huynh không được chủ quan khi trẻ có dấu hiệu sốt, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy chân tay lạnh, xuất huyết bất thường... cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được xử trí và điều trị kịp thời. Phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua thuốc, truyền dịch điều trị cho trẻ tại nhà. Đồng thời theo dõi phát hiện các dấu hiệu sớm của SXH để đưa con em mình đến cơ sở y tế kịp thời.

Nếu thấy trẻ sốt cao trên 2 ngày, có biểu hiện một trong các dấu hiệu sau cần phải đưa trẻ vào BV ngay: Quấy khóc, bứt rứt, lăn trở khó chịu hoặc li bì; Đau bụng; Chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu; Tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống...

BS.CK2 Nguyễn Minh Tiến lưu ý SXH có thể tấn công trẻ sơ sinh nhưng trẻ có thể biểu hiện không điển hình như: sốt nhẹ vừa, không liên tục lại kèm ho sổ mũi hắt hơi, hay tiêu chảy, nôn ói… dễ lầm tưởng với các bệnh lý hô hấp, tiêu hóa hay nhiễm trùng; cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để thăm khám xét nghiệm định bệnh chính xác để điều trị thích hợp cho trẻ.

 

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh