Phòng chống sốt xuất huyết từ ý thức người dân

05:06, 15/06/2023

Ngành y tế khuyến cáo sốt xuất huyết (SXH) là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hiện nay, Vĩnh Long đã bước vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển.

Phun hóa chất dập các ổ dịch nhỏ sốt xuất huyết là biện pháp được ngành y tế tỉnh tích cực thực hiện để diệt muỗi mang mầm bệnh khống chế nguồn lây.
Phun hóa chất dập các ổ dịch nhỏ sốt xuất huyết là biện pháp được ngành y tế tỉnh tích cực thực hiện để diệt muỗi mang mầm bệnh khống chế nguồn lây.

(VLO) Ngành y tế khuyến cáo sốt xuất huyết (SXH) là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Hiện nay, Vĩnh Long đã bước vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH phát triển.

Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vaccine phòng ngừa và có thể gây tử vong. Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt lăng quăng, phòng tránh muỗi chích.

Nhận biết bệnh sớm để tránh nguy cơ tử vong

SXH đã và đang trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng, không chỉ ảnh hưởng đến một quốc gia, mà còn đe dọa đến toàn bộ các quốc gia ASEAN và các nước trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến hàng triệu người và gây tổn thất nặng nề cho cộng đồng.

Ngày ASEAN phòng chống SXH (15/6) là dịp để người dân trong khu vực nâng cao nhận thức và thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa căn bệnh này.

Bé trai Đ.V.Q. (10 tuổi, TP Vĩnh Long) nằm điều trị SXH tại BVĐK Tư nhân Triều An- Loan Trâm. Dù tỉnh táo nhưng mẹ em phải liên tục xoa bóp tay chân, dỗ dành.

“Sáng giờ con bắt đầu cảm nhận được đau khi bác sĩ chích thuốc. To con nhưng nhát kim, sợ chích khóc nãy giờ nên mệt, nằng nặc đòi mẹ xin bác sĩ cho về”, mẹ bé Q. nói.

BS.CK1 Trần Thị Tuyết Mai- Trưởng Khoa Nhi Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, lưu ý bệnh SXH thường có các triệu chứng đa dạng giống với các bệnh khác như tay chân miệng, sốt siêu vi,...

Ngay cả khi trẻ đã từng mắc SXH rồi vẫn có khả năng mắc thêm các lần sau. Vậy nên phụ huynh không được chủ quan khi trẻ có dấu hiệu sốt, đau đầu, buồn nôn, tiêu chảy chân tay lạnh, xuất huyết bất thường... cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được xử trí và điều trị kịp thời. Phụ huynh tuyệt đối không tự ý mua thuốc, truyền dịch điều trị cho trẻ tại nhà.

Đặc điểm nhận biết bệnh SXH là sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm các dấu xuất huyết như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi, vết bầm, xuất huyết âm đạo (trẻ gái ở tuổi dậy thì).

Bệnh thường trở nặng vào ngày thứ 4-6 với biểu hiện trụy tim mạch (tay chân lạnh, mạch nhẹ, khó bắt) và thường ít kèm các triệu chứng hô hấp (ho, sổ mũi) và tiêu chảy.

“Bệnh SXH nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì hầu hết diễn tiến thuận lợi, ít có trường hợp tử vong.

Vì vậy, phụ huynh cần lưu ý khi trẻ sốt cao liên tục hơn 2 ngày trở lên phải đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán và được điều trị kịp thời, tránh để quá muộn sẽ diễn tiến nặng và tổn thương các cơ quan”- bác sĩ Tuyết Mai lưu ý.

Phòng bệnh SXH bắt đầu từ ý thức người dân

Hiện nay, bệnh SXH xảy ra quanh năm và không còn mang tính chất chu kỳ 3-4 năm mới có dịch lớn một lần. Để phòng dịch bệnh SXH có hiệu quả, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế cần có ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, cộng đồng trong phòng chống bệnh.

Theo Phó Giám đốc CDC tỉnh- Huỳnh Thanh Tân, ngành y tế tỉnh nhận định tình hình bệnh SXH năm 2023 sẽ có những diễn biến phức tạp. Do vậy, các biện pháp phòng ngừa SXH không chỉ dừng lại ở việc duy trì môi trường sạch sẽ và diệt muỗi, mà còn hướng tới sự thay đổi thói quen sống của người dân. “Lĩnh vực dự phòng cũng phát hiện sớm các ổ dịch để phun thuốc diệt lăng quăng, xử lý kịp thời ổ dịch. Khuyến cáo người dân làm vệ sinh, dọn dẹp nơi sinh sống, không tích trữ nước hoặc có biện pháp che, đậy kín nơi chứa nước; thả cá vào các dụng cụ chứa nước để diệt lăng quăng... và phòng, tránh muỗi đốt để bảo vệ sức khỏe bản thân gia đình và cộng đồng”- ThS.BS Huỳnh Thanh Tân khuyến cáo.

Từ đầu năm đến nay, ngành y tế xử lý kịp thời trên 210 ổ dịch SXH nhỏ và đẩy mạnh nhiều hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về các biện pháp phòng bệnh SXH.

Chị Nguyễn Hồng Nga (xã Tân Lộc, huyện Tam Bình), cho biết: “Bệnh SXH do muỗi vằn gây ra. Được cán bộ trạm y tế tuyên truyền, chị úp vỏ dừa xuống, lu hũ thì cọ rửa trong ngoài sạch sẽ, ngừa lăng quăng; phát quang bụi rậm không cho muỗi ở”.

Trước diễn biến bệnh SXH gia tăng, Trạm Y tế xã Trà Côn (Trà Ôn) đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống SXH tại địa bàn. Nhờ đó, ý thức của người dân về phòng bệnh SXH cải thiện rõ, không để sinh lăng quăng khu vực xung quanh nhà.

Cô Thạch Thị Sươm chia sẻ: “Nghe thông tin, tui cũng sợ bệnh SXH lắm và học cách diệt lăng quăng, diệt muỗi bằng cách vệ sinh nhà cửa thông thoáng, đổ bỏ nước ở những vật dụng chứa nước không cần thiết và tránh muỗi chích là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất”.

Theo BS.CK1 Đặng Văn Đầy- Trưởng Trạm Y tế xã Trà Côn, hiện còn rất nhiều vật chứa bị bỏ quên như mái tôn, thùng chứa nước không đậy kín, vỏ dừa,... Những vật chứa này chưa được dọn dẹp, nằm ngoài trời đọng nước làm phát sinh lăng quăng.

“Nhân viên y tế tuyên truyền mức độ nguy hiểm của bệnh SXH và cách phòng chống SXH đến người dân. Khuyên bà con tranh thủ dọn dẹp vệ sinh nơi ở, lật úp, đậy nắp, không bỏ sót vật chứa nước có nguy cơ phát sinh lăng quăng, để mỗi gia đình nhận thức được cách đơn giản phòng bệnh là không có lăng quăng thì sẽ không có bệnh SXH”- bác sĩ Văn Đầy cho biết.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có gần 700 ca mắc SXH, tăng hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, số ca bệnh nặng chiếm 2,6%. Ngành y tế đã phát hiện và xử lý trên 215 ổ dịch SXH nhỏ, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ 2022. Trước tình hình này công tác giám sát ca bệnh được thực hiện chặt chẽ từ cơ sở khám chữa bệnh đến hệ thống dự phòng.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh