Không chủ quan khi trẻ mắc tay chân miệng

11:06, 28/06/2023

Tình hình bệnh tay chân miệng (TCM) tại tỉnh Vĩnh Long có chiều hướng gia tăng, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân không được chủ quan khi trẻ mắc bệnh TCM.

Bác sĩ thăm khám cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại BVĐK Tư nhân Triều An- Loan Trâm.
Bác sĩ thăm khám cho trẻ mắc bệnh tay chân miệng tại BVĐK Tư nhân Triều An- Loan Trâm.

(VLO) Tình hình bệnh tay chân miệng (TCM) tại tỉnh Vĩnh Long có chiều hướng gia tăng, ngành chuyên môn khuyến cáo người dân không được chủ quan khi trẻ mắc bệnh TCM.

Bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp tại miền Nam

Theo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tại 20 tỉnh, thành phía Nam ghi nhận khoảng 11.000 ca bệnh TCM, trung bình khoảng 460 ca mỗi tuần.

Đáng chú ý, số ca nặng và số ca tử vong do bệnh TCM cũng đang gia tăng và cao hơn cùng kỳ năm trước. Riêng tuần qua, 20 tỉnh, thành phía Nam đã ghi nhận hơn 2.000 ca bệnh TCM, tăng 23% so với tuần trước.

Hoạt động giám sát, xét nghiệm cũng đã phát hiện virus EV71 đang dần chiếm tỷ trọng ưu thế trong các mẫu xét nghiệm ca bệnh nặng; tỷ lệ tử vong cao, trong đó có 7 trường hợp tử vong.

Virus EV71 thường gây bệnh TCM ở trẻ em và có nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm, do đó, trường học, khu vui chơi tập trung đông trẻ em được xác định là nơi có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao.

“Virus EV71 là tác nhân thường gây dịch, gây ra biến chứng và nguy cơ dẫn đến tử vong cao hơn các chủng virus khác đã gây ra các vụ dịch nghiêm trọng vào năm 2011 và 2018”, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng- Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, thời gian tới, tình hình bệnh TCM dự báo sẽ phức tạp hơn do đây là thời điểm bệnh TCM tăng mạnh trong năm.

Các chuyên gia y tế cũng cho biết có 50% người lớn mắc bệnh TCM nhưng không có triệu chứng, đây là nguồn lây quan trọng nhưng vì không có triệu chứng nên rất dễ lây sang trẻ em.

Nhiều trường hợp khác cũng mắc bệnh nhưng biểu hiện không rõ ràng. Do vậy, cần lưu ý đưa chẩn đoán quan tâm phát hiện sớm, trẻ nhập viện sớm phòng biến chứng, tử vong.

Bệnh TCM chưa có biện pháp điều trị và phòng chống đặc hiệu. Bệnh tập trung nhóm trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi và do virus, rất dễ lây, thường lây nhanh qua đường tiêu hóa ở trẻ sống cùng nhà và sinh hoạt cùng nhà trẻ.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, ngày 25/6 ghi nhận 103 ca bệnh TCM đang nằm viện. Bình quân mỗi ngày có khoảng 25 ca nhập viện, khoảng 40% trong số đó chuyển tới từ nhiều địa phương như Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.

Đáng ngại hơn là số ca nặng tăng nhiều so với năm 2022. Cụ thể, từ đầu năm đến nay có 9 ca độ 3, độ 4; trong đó có 5 ca phải chuyển lên tuyến trên ở TP Hồ Chí Minh, 2 ca độ 4 tử vong. Trong khi đó, cả năm 2022 chỉ có 8 ca TCM độ 3, không có ca tử vong.

Không chủ quan khi trẻ mắc tay chân miệng

Sớm nhận biết dấu hiệu bệnh tay chân miệng để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời để được chẩn đoán và điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của trẻ.
Sớm nhận biết dấu hiệu bệnh tay chân miệng để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời để được chẩn đoán và điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của trẻ.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Vĩnh Long, tình hình bệnh TCM trong tỉnh những tuần gần đây đang có chiều hướng gia tăng.

Bệnh TCM lây truyền chủ yếu qua đường tiêu hóa, qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, tiếp xúc với đồ chơi, quần áo, đồ dùng sinh hoạt, bề mặt có chứa virus, bệnh tập trung phần lớn ở trẻ dưới 5 tuổi.

Tính đến nay, toàn tỉnh ghi nhận trên 210 trường hợp mắc bệnh và 4 ổ dịch TCM nhỏ. Các trường hợp mắc bệnh chủ yếu là độ 1 và 2A.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc CDC tỉnh, dự báo trong thời gian tới tình hình bệnh TCM có chiều hướng gia tăng.

Để ngăn chặn bệnh, các trung tâm y tế tổ chức tập huấn giám sát dịch tễ điều tra xử lý ổ dịch cho cán bộ chuyên trách ở tuyến huyện và tuyến xã.

Đồng thời, ngành y tế và giáo dục tăng cường các hoạt động giám sát phát hiện sớm các ca bệnh trong nhà trường đặc biệt là ổ dịch để có kế hoạch khống chế kịp thời.

Theo BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long, khoảng 90-95% trẻ mắc TCM sẽ được điều trị ngoại trú. Bệnh thường diễn tiến nhẹ và có thể sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày.

Song, năm nay Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh đã phân lập được chủng EV71, chủng này gây nhiều biến chứng nặng.

Do vậy, các bậc phụ huynh cần theo dõi, sớm nhận biết dấu hiệu bệnh để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời để được chẩn đoán và điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của trẻ.

“Các bệnh nhi có loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, đầu gối… cần đến khám tại cơ sở y tế để được chẩn đoán, nhất là khi có kèm dấu hiệu giật mình chới với.

Các dấu hiệu nặng của bệnh cần chú ý như sốt cao liên tục, khó hạ, sốt trên 2 ngày, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run chi, đi đứng loạng choạng, tay chân lạnh, vã mồ hôi, li bì, thở mệt…

Khi bệnh nhi có các dấu hiệu này, cần đưa bé đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời, không nên chủ quan tự theo dõi ở nhà, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra”- bác sĩ Chí Công lưu ý.

Theo Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, để phòng chống bệnh TCM một cách kịp thời và hiệu quả, cần đảm bảo 3 sạch gồm: ăn uống sạch; ở sạch; bàn tay và đồ chơi sạch cho cả trẻ em, người lớn và người chăm sóc trẻ.

Việt Nam sắp có vaccine phòng tay chân miệng

Tại phiên họp trực tuyến với 20 tỉnh khu vực phía Nam về phòng chống bệnh TCM và sốt xuất huyết, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu các cơ sở y tế phải tổ chức phân tuyến điều trị, phân luồng khám chữa bệnh; tuyến trên phải tăng cường tập huấn, giám sát chặt chẽ, thực hiện phòng lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế. Đồng thời, phát hiện sớm dịch bệnh, truyền thông tại cộng đồng, tại trường học để phòng dịch.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin đã có 1 công ty sản xuất vaccine phòng bệnh TCM gửi hồ sơ đăng ký đến Cục Quản lý Dược. Hy vọng từ nay đến cuối năm vaccine này sẽ được cấp phép. Trước khi đợi vaccine được cấp phép, Thứ trưởng Bộ Y tế lưu ý các tỉnh phải đảm bảo vật tư hóa chất, thuốc điều trị. Hiện nay tất cả chi tiêu cho phòng chống dịch đã chuyển về địa phương thành chi thường xuyên.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh