Bệnh phổi tắt nghẽn mạn tính- sát thủ thầm lặng

04:06, 30/06/2023

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý mạn tính của đường hô hấp, tỷ lệ tử vong xếp vào hàng thứ 4 trên thế giới. Bệnh có tỷ lệ mắc cao và ngày càng gia tăng. Đáng chú ý, gần 90% người mắc bệnh này có tiền sử hút thuốc lá.

Bệnh nhân điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Phổi tỉnh.
Bệnh nhân điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tại Bệnh viện Phổi tỉnh.

(VLO) Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý mạn tính của đường hô hấp, tỷ lệ tử vong xếp vào hàng thứ 4 trên thế giới. Bệnh có tỷ lệ mắc cao và ngày càng gia tăng. Đáng chú ý, gần 90% người mắc bệnh này có tiền sử hút thuốc lá.

Mối đe dọa âm thầm

Những bệnh nhân (BN) mắc COPD đang điều trị tại Bệnh viện Phổi tỉnh Vĩnh Long phần lớn do thời gian dài hút thuốc lá.

Ông L.V.H. (48 tuổi, xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm) lo lắng: “Tui bị ho ra máu, vô bệnh viện cầm được máu rồi. Bác sĩ nói do hút thuốc lá nhiều ảnh hưởng về tim mạch rối loạn dây thần kinh và ho ra máu. Tui khuyên ai hút thì cố gắng bỏ thuốc đi. Sức khỏe giờ quý lắm!”

Ông T.Q.A. (61 tuổi, phường Tân Hội, TP Vĩnh Long) được chẩn đoán bị bệnh COPD từ năm 2020. Đây là lần thứ 2 ông A. nhập viện trong vòng hơn 1 tháng qua vì khó thở kéo dài, cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém và luôn bị hành hạ bởi những cơn ho.

Theo các bác sĩ, do ông chưa bỏ hẳn được thói quen hút thuốc lá. BN cho biết gần 4 năm qua ông hầu như không làm được việc gì vì chỉ cần vận động lâu một chút là đã mệt và khó thở.

Theo BS.CK1 Phạm Văn Hoàng- Trưởng Khoa Bệnh phổi- Dinh dưỡng, Bệnh viện Phổi Vĩnh Long, nguyên nhân dẫn đến căn bệnh “tử thần” này chủ yếu vẫn là thói quen hút thuốc lá, thuốc lào hoặc làm việc trong môi trường nhiều khói bụi, khí thải công nghiệp. Bên cạnh các nguyên nhân khác như: sự già hóa dân số, người có dung tích phổi nhỏ bẩm sinh.

Trên thực tế BN điều trị tại khoa đa số vào viện do tình trạng hạn chế thông khí đường thở, đặc biệt COPD chiếm 50% và phần lớn có tiền sử hút thuốc lá rất nhiều.

Do khói thuốc kích thích và gây viêm tại phổi hình thành nên các xơ sẹo. Đáng lưu ý, nhiều BN COPD nặng vì chủ quan. Có người hút thuốc lá lâu năm, khi ho họ nghĩ không sao.

Đến thời điểm khạc đờm, họ cũng tưởng không có gì nghiêm trọng. Khi bắt đầu khó thở, họ lại nghĩ bản thân có tuổi, làm việc nhanh mệt nên không đi khám. Chỉ đến khi khó thở nhiều hơn nữa, họ mới đến bệnh viện.

Lúc này, đường thở đã nghẹt nhiều, chữa trị rất khó. BN đến khám trễ là nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong ở người mắc COPD cao.

Phòng bệnh COPD

Theo BS.CK1 Phạm Văn Hoàng, bệnh COPD có đặc trưng giới hạn đường thở không hồi phục hoàn toàn, do BN thường xuyên tiếp xúc với thuốc lá, khói bụi, hóa chất.

Để chẩn đoán chính xác bệnh, BN cần phải đến chuyên khoa về hô hấp để làm xét nghiệm đặc hiệu chẩn đoán chính xác, xác định mức độ, giai đoạn bệnh để có liệu pháp điều trị thích hợp. Mỗi một giai đoạn của bệnh COPD có phác đồ điều trị nhất định.

Những BN mắc COPD còn phải đối mặt với các biến chứng làm suy giảm sức khỏe, chất lượng cuộc sống, giảm tuổi thọ như bệnh lý tâm phế mạn (suy tim, loạn nhịp tim- đặc biệt là rung nhĩ…).

Người dân có vấn đề về hô hấp nên đến bệnh viện sớm để được bác sĩ thăm khám.
Người dân có vấn đề về hô hấp nên đến bệnh viện sớm để được bác sĩ thăm khám.

Hiện điều trị bệnh COPD không thể chữa khỏi hoàn toàn mà chỉ có thể làm giảm triệu chứng, làm chậm quá trình tổn thương ở phổi, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Để phòng ngừa bệnh COPD, Trưởng Khoa Bệnh phổi- Dinh dưỡng, Bệnh viện Phổi Vĩnh Long, khuyến cáo những người đang hút thuốc lá nên bỏ thuốc lá sớm khi có các triệu chứng xuất hiện.

Những người không hút thuốc lá không nên tiếp xúc với khói thuốc lá, bởi khi tiếp xúc với khói thuốc lá có thể gây nên các bệnh về đường hô hấp.

Tránh khói bụi, tạo môi trường sống và làm việc trong lành; giữ gìn sức khỏe, giữ ấm vào mùa lạnh; khi ra đường, phải có biện pháp phòng tránh như đeo khẩu trang để tránh hít phải những khói bụi độc hại; tiêm vaccine phòng cúm, phòng phế cầu để ngăn ngừa đợt cấp.

“Những người có biểu hiện ho, ho ra đờm, khó thở, thở khò khè, tức ngực, mệt mỏi và bản thân hút thuốc trên 10 năm hoặc tiếp xúc nhiều với khói than, củi, rơm rạ, môi trường làm việc độc hại… nên đến khám và tư vấn về COPD.

Ngoài ra, cần điều trị dứt điểm một số bệnh lý liên quan đến nhiễm trùng kéo dài ở đường hô hấp. Có lối sống lành mạnh như luyện tập thể thao phù hợp với tình trạng sức khỏe, có chế độ dinh dưỡng cân bằng.

Khi bệnh tái phát hoặc diễn biến nặng nên đến ngay cơ sở y tế để được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất”- BS.CK1 Phạm Văn Hoàng khuyến cáo.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, mỗi năm toàn cầu có hơn 400 triệu người được phát hiện bệnh COPD. Ở Việt Nam, theo một số kết quả nghiên cứu dịch tễ học, tỷ lệ mắc COPD là 4,1% ở người trên 40 tuổi và xu hướng tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng; tỷ lệ tử vong do COPD còn cao hơn tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông.

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh