Cẩn thận tiền mất tật mang khi giác hơi thải độc, chữa bệnh?

11:05, 05/05/2023

Nữ bệnh nhân 42 tuổi đã bị bỏng cả ngực và vai phải trong quá trình giác hơi và phải cấp cứu chống sốc, giảm đau.

 

Nữ bệnh nhân 42 tuổi đã bị bỏng cả ngực và vai phải trong quá trình giác hơi và phải cấp cứu chống sốc, giảm đau.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt (Cần Thơ) khám cho nữ bệnh nhân bị bỏng cồn khi giác hơi - Ảnh minh họa
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt (Cần Thơ) khám cho nữ bệnh nhân bị bỏng cồn khi giác hơi - Ảnh minh họa

Giác hơi là liệu pháp giải độc cơ thể ngày càng được ưa chuộng nhưng nếu lạm dụng hoặc dùng sai cách sẽ rất nguy hiểm. Nhiều bệnh, nhiều trạng thái sức khỏe cấm kỵ giác hơi vì nguy hại tới mạng sống.

Bỏng nặng vì đi giác hơi

Trung tâm cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ 42 tuổi vào viện trong tình trạng đau nhiều, nổi phỏng bỏng cồn nặng sau giác hơi.

Theo lời bệnh nhân kể, trong lúc đi giác hơi, bệnh nhân bị bỏng cồn vùng vai phải và ngực phải. Sau khi bị bỏng, bệnh nhân đã tự mua thuốc về điều trị tại nhà và không thấy đỡ, vùng bỏng ngày càng đau rát, nổi mụn phỏng nhiều.

Bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán bỏng độ II, diện tích bỏng 10%, các bác sĩ đã chống sốc, giảm đau, bù dịch, thay băng bỏng, thực hiện thủ thuật cắt lọc xử trí tổn thương.

Qua trường hợp trên, các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân, người dân cẩn thận với các biến chứng khi đi giác hơi. 

Nếu không may bị bỏng cần đến các cơ sở y tế uy tín, bệnh viện gần nhất để được các bác sĩ xử trí kịp thời, không nên tự ý mua thuốc hoặc đắp các loại lá truyền miệng trong dân gian tránh dẫn đến tình trạng nhiễm trùng máu, nhiễm trùng bỏng do điều trị không đúng cách, sẹo co rút, ảnh hưởng đến chức năng các bộ phận bị bỏng và gây nguy hiểm cho tính mạng.

Trên thực tế số người bị bỏng do giác hơi không phải là ít. Đặc biệt, ngoài bỏng, việc giác hơi sai còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.

Nhiều trường hợp phải cấm kỵ giác kẻo nguy hiểm tính mạng

Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn - nguyên chủ nhiệm khoa đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội - cho biết nhiều người nghĩ giác hơi giải độc cơ thể và chữa bệnh tốt, nên liệu pháp này có xu hướng ngày càng phát triển và nhận được sự hoan nghênh của đông đảo người bệnh.

Người ta dễ dàng thực hiện giác hơi ở mọi nơi, mọi chỗ, kể cả ở bến xe, nhà ga, vỉa hè, bãi biển..., với phương tiện đơn giản chỉ là một manh chiếu và mươi ống giác. 

Tuy nhiên, do không nắm chắc chỉ định, kỹ thuật và những điều cấm kỵ của phương pháp nên trong không ít trường hợp những tai biến của giác hơi đã xảy ra, khiến cho người được giác lâm vào tình trạng tiền mất tật mang.

Bác sĩ Toàn phân tích, liệu pháp giác tuy đơn giản nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe, đặc biệt nhiều người cấm kỵ giác không được dùng liệu pháp này để trị gió hoặc chữa bệnh vì có thể gây nên những biến chứng, thậm chí tử vong.

Các chứng bệnh và trạng thái cấm kỵ giác đó là: các trường hợp mắc bệnh tim, thận, phổi vừa hoặc nặng; bệnh ưa chảy máu, dễ xuất huyết dưới da, suy giảm tiểu cầu, bệnh máu trắng, phù toàn thân;

Bệnh tâm thần giai đoạn tiến triển, suy nhược thần kinh và suy nhược cơ thể quá mức, động kinh…;

Người gầy, mắc bệnh da toàn thân, da mất tính đàn hồi, giãn tĩnh mạch nơi giác, co giật hoặc bị chuột rút…;

Người đang trong tình trạng say rượu, quá mệt mỏi, quá no hoặc quá đói;

Những người đau vùng thắt lưng, vùng bụng dưới và vùng vú, phụ nữ có thai, đang thời kỳ kinh nguyệt, cho con bú…;

Những người đang sốt phát ban, mê sảng, co giật toàn thân…

Cần biết cách để tránh tai biến

Để giác hơi an toàn, theo bác sĩ Toàn, người bệnh khi đi giác cần chú ý kỹ các vấn đề sau:

Nắm vững vị trí nên và không nên giác. Nhìn chung, liệu pháp giác chỉ nên thực hiện ở những vị trí có cơ bắp đầy đặn và lớp mỡ dưới da phong phú.

Không giác ở nơi có mạch máu đi nông, chỗ tim đập, vùng da quá non và có sẹo, mắt, mũi, môi, đầu vú, vùng da nhão có nhiều nếp nhăn.

Chỗ giác lần trước nếu vẫn còn dấu vết thì không giác đúng chỗ đó.

Chọn nơi giác phù hợp: không nên giác ngoài trời và ở những nơi quá nóng hoặc quá lạnh để phòng ngừa cảm nhiễm phong hàn, phong nhiệt.

Tuyệt đối không nên giác ngoài bãi biển, trong phòng chạy điều hòa đặt nhiệt độ quá thấp. Tốt nhất là nên tiến hành thủ thuật ở trong phòng có nhiệt độ vừa phải và không có gió lùa.

Lắng nghe cơ thể, tránh căng thẳng.

Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, "bác sĩ" thực hiện giác cần chọn tư thế người bệnh cho phù hợp sao cho vị trí giác được bộc lộ rõ, thuận lợi cho việc tiến hành thủ thuật và bệnh nhân cảm thấy thoải mái.

Với những người lần đầu tiên thực hiện liệu pháp giác, người thuộc thể loại thần kinh yếu, dễ căng thẳng, người già và suy nhược... nên chọn tư thế nằm và khi giác cần dùng ống giác nhỏ, thủ thuật tiến hành phải nhẹ nhàng, chú ý giải thích và động viên để người bệnh yên tâm.

Trong khi giác, kỹ thuật viên cần chú ý hỏi cảm giác của người bệnh và chú ý quan sát phản ứng tại chỗ và toàn thân của bệnh nhân.

Về phần mình, người bệnh có thể cảm thấy chỗ giác nóng, căng, ấm áp dễ chịu và buồn ngủ, đó là hiện tượng bình thường, đông y gọi là đắc khí.

Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như choáng váng, hoa mắt, đau đầu, buồn nôn, ớn lạnh, vã mồ hôi nhiều... thì cần báo cho kỹ thuật viên ngay để xử trí kịp thời.

Sau khi giác, người bệnh cần được nghỉ ngơi trong một thời gian nhất định tùy theo tình trạng bệnh lý, tránh hoạt động mạnh, không nên tắm rửa ngay bằng nước quá nóng hoặc quá lạnh, không uống rượu bia hoặc sử dụng các chất kích thích khác.

Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng bất thường thì cần kịp thời báo cho nhân viên y tế để có biện pháp xử lý thích hợp.

Giác hơi chỉ nên dùng trong những trường hợp sau:

- Đau nhức xương khớp: thực hiện tại những khớp đau.

- Ho kéo dài: giác hơi tại huyệt của lưng.

- Cảm nóng, cảm lạnh: với bệnh nhân cảm lạnh cần giữ ấm cho bệnh nhân.

- Đau bụng, sôi bụng: thực hiện các vùng huyệt bụng, thắt lưng.

Theo HÀ LINH/Báo điện tử Tuổi trẻ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh