"Niềm vui của y, bác sĩ là thấy con phát triển tốt lên từng ngày, từng tuần. Lúc mới sinh nhỏ xíu mà một tuần sau đã khác. Theo sát quá trình phục hồi, chứng kiến từ lúc đỏ hỏn, bé tí ti rồi cứng cáp hơn, bú được... là niềm hạnh phúc khiến chúng tôi như những người mẹ của các bé".
Điều dưỡng Thanh Loan chăm sóc trẻ sinh non tại Phòng Hồi sức sơ sinh (Khoa Nhi, BVĐK Vĩnh Long). |
(VLO) “Niềm vui của y, bác sĩ là thấy con phát triển tốt lên từng ngày, từng tuần. Lúc mới sinh nhỏ xíu mà một tuần sau đã khác. Theo sát quá trình phục hồi, chứng kiến từ lúc đỏ hỏn, bé tí ti rồi cứng cáp hơn, bú được... là niềm hạnh phúc khiến chúng tôi như những người mẹ của các bé”.
Đó là chia sẻ của điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh Loan khi nói về công việc chăm sóc các trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân tại Phòng Hồi sức sơ sinh Khoa Nhi, BVĐK Vĩnh Long.
Chăm sóc thành công nhiều trẻ sinh non
Nuôi trẻ sơ sinh đã khó thì đối với trẻ sơ sinh non tháng, nhẹ cân càng khó khăn hơn. Song, với tinh thần trách nhiệm tận tâm, các y, bác sĩ tại Khoa Nhi (BVĐK Vĩnh Long) đã nỗ lực, miệt mài chăm nuôi, đồng hành cùng nhiều trẻ sinh non tháng, nhẹ cân để giành sự sống.
Do là Phòng Hồi sức sơ sinh, chăm sóc bệnh nhân là những trẻ sinh non, yếu ớt nên vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn tại đây đặc biệt được chú trọng.
Người nhà bệnh nhi không được vào chăm sóc, vì vậy tất cả mọi công việc điều trị, chăm sóc bệnh nhi như truyền dịch, truyền thức ăn cho trẻ, tắm, thay tã… đều do các bác sĩ, điều dưỡng chia nhau chăm chút theo dõi từng chuyển biến của các bé không kể ngày hay đêm.
“Thời gian chăm sóc bé sinh non thường kéo dài nên các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý... thương, chăm sóc thật kỹ các con như người cha, người mẹ chăm con của mình.
Có những bé chỉ nặng 1kg, phải nằm trong lồng ấp, xung quanh là dây nhợ nối với các loại máy móc, thiết bị.
Rời bụng mẹ, các con phải vô lồng ấp nhưng các con đã hồi phục lớn lên từng ngày từ sự nâng niu, chăm chút của nhân viên y tế chúng tôi”- điều dưỡng Thanh Loan chia sẻ.
Gần 1 tháng nằm trong lồng ấp, con gái của chị Phan Thị Hồng Huệ (TP Vĩnh Long) được “da kề da” với mẹ. Theo điều dưỡng Thanh Loan, thay vì cách ly hoàn toàn, người mẹ được tạo điều kiện tiếp xúc sớm với con. Người mẹ được hướng dẫn cách chăm sóc trong phòng nuôi đặc biệt.
Bé được da kề da, truyền hơi ấm từ mẹ. Mẹ hít thở kích thích em bé thở theo, hỗ trợ hô hấp, giúp bé ổn định nhịp tim, tiêu hóa và hấp thu sữa tốt hơn, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển não bộ của con;…
Nắm bàn tay nhỏ xíu của con, chị Huệ rơm rớm nước mắt: “Mới 29 tuần là em bị đau bụng từng cơn, vỡ ối và sinh con luôn. Nhìn con chỉ nặng có 1,4kg, nhỏ xíu nằm trong lồng ấp cả nhà rất lo lắng. Vậy mà nhờ y, bác sĩ chăm nuôi, bây giờ con hồng hào, bú sữa, đã tăng lên được hơn 2kg”, chị Huệ chia sẻ.
Cho con bú sữa mẹ, nắm bàn tay bé xíu chị Nguyễn Thị Kim Liên (xã Tân Long Hội, Mang Thít) cười hạnh phúc: “Con ra đời sớm, mới 33 tuần, nặng chỉ 1,8kg và nằm viện được các y, bác sĩ chăm sóc, nuôi đặc biệt gần 20 ngày.
Thời gian đó, các bác sĩ tạo điều kiện cho mẹ tiếp xúc với con sớm để trò chuyện, massage, tương tác với con; chỉ cách da kề da, cảm giác con cứ ôm chặt mình, rất ấm áp. Chiều nay con được xuất việc, bác sĩ còn chỉ chăm sóc con tại nhà đúng cách để con phát triển tốt”.
Nâng cao năng lực chuyên môn
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sinh non là một cuộc chuyển dạ xảy ra từ tuần 22 đến trước tuần thứ 37 của thai kỳ tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng. Tỷ lệ sinh non ở Việt Nam chiếm 10%.
Trẻ sinh non phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, sẽ gặp khó khăn về nuôi dưỡng do cơ thể nhỏ, thiếu năng lượng, dạ dày nhỏ và không đủ sức để bú, hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên trẻ dễ bị nhiễm trùng. Vì vậy, chế độ chăm sóc và chế độ nuôi dưỡng cần cẩn thận và tỉ mỉ hơn so với trẻ sơ sinh bình thường.
Theo BS.CK2 Trần Chí Công- Phó Trưởng Khoa Nhi- BVĐK Vĩnh Long, trẻ sinh non sẽ dễ mắc các bệnh lý về đường hô hấp, thị giác. Nếu không được chăm sóc đặc biệt, trẻ sẽ kém phát triển về thể chất, trí tuệ, thậm chí là tử vong.
Thời gian qua, Khoa Nhi BVĐK Vĩnh Long được trang bị thêm một số thiết bị y tế hiện đại như: đèn chiếu vàng da, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, monitor nhiều thông số, lồng ấp, máy giúp thở;… và chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ nên công tác chăm sóc, nuôi dưỡng những trẻ sinh non, nhẹ cân tại Khoa Nhi ngày càng hiệu quả.
“Khoa triển khai các kỹ thuật cao được tiếp nhận từ Bệnh viện Nhi Trung ương trong điều trị, nuôi dưỡng các bệnh nhi sinh non, nhẹ cân mà không cần chuyển tuyến trên như nuôi ăn tĩnh mạch kéo dài; thở thông khí áp lực dương đến thở máy thông thường;…. góp phần hỗ trợ rất hiệu quả trong việc cứu sống trẻ sinh non, trẻ sơ sinh có nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Khi bé ổn định hô hấp sẽ được ấp da kề da, massage, tầm soát bệnh lý võng mạc, thính lực...”- BS Chí Công cho biết.
Với sự can thiệp, theo dõi điều trị của các y bác sĩ, nhiều trường hợp trẻ sinh non tháng, nhẹ cân đáp ứng điều trị và xuất viện. Chỉ tính từ năm 2022 đến nay, Khoa Nhi đã tiếp nhận và nuôi thành công hơn 80 trẻ sinh non tháng, nhẹ cân.
Trong đó, có nhiều trẻ chào đời ở tuổi thai 29-30 tuần, với cân nặng từ 1-1,5kg. Ðây là thành công rất lớn của Khoa Nhi nói riêng, BVĐK Vĩnh Long nói chung, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh trên địa bàn tỉnh trước nỗi lo sinh non hiện nay.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin