Đó là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022, từ ngày 10/11- 10/12/2022. Cục Phòng chống HIV/AIDS nhấn mạnh việc chấm dứt dịch AIDS chỉ có thể thành công nếu chúng ta huy động được thanh niên chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Chấm dứt dịch AIDS - thanh niên sẵn sàng. |
(VLO) Đó là chủ đề của Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022, từ ngày 10/11- 10/12/2022. Cục Phòng chống HIV/AIDS nhấn mạnh việc chấm dứt dịch AIDS chỉ có thể thành công nếu chúng ta huy động được thanh niên chủ động tham gia có hiệu quả vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.
Ca nhiễm HIV mới tăng nhiều ở nam giới
Dù Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước, nhưng khi nói đến HIV/AIDS - căn bệnh này vẫn gây ám ảnh cho những người không may bị nhiễm.
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch HIV từ năm 2020 đến nay đang có xu hướng gia tăng. Nếu trước đây giai đoạn năm 2017 - 2019, Việt Nam phát hiện khoảng 10.000 trường hợp nhiễm HIV mỗi năm thì 2 năm qua dù dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc xét nghiệm HIV, nhưng mỗi năm vẫn có hơn 13.000 trường hợp nhiễm mới HIV được báo cáo.
Nếu như trước đây, chúng ta chỉ nghĩ rằng, lây nhiễm HIV chủ yếu trong nhóm nghiện chích ma túy thì hiện tại đã có sự biến đổi hình thái: Lây nhiễm từ đường máu sang lây qua đường tình dục. Trong các trường hợp nhiễm mới HIV, có 85% là nam giới và gần 50% trong độ tuổi trẻ (16 - 29 tuổi).
Hiện nay, nam quan hệ tình dục đồng giới là nhóm nhiễm HIV chủ yếu ở nước ta. Tại một số địa phương, có 60 - 80% số người nhiễm HIV mới được phát hiện là nam quan hệ tình dục đồng giới.
Thêm vào đó, trong thanh thiếu niên, chưa đến 50% có hiểu biết toàn diện về dự phòng lây nhiễm HIV, 40% còn thái độ phân biệt đối xử với HIV, 14% có yếu tố dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn.
Vì vậy, quan trọng là huy động được thanh niên chủ động tham gia hiệu quả vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), từ đầu năm 2022 đến nay, Vĩnh Long phát hiện 218 ca nhiễm HIV, trong đó 180 ca là nam, nâng tổng số người nhiễm HIV đến nay lên hơn 3.820 trường hợp. Trong đó, trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS là hơn 1.630 bệnh nhân và 866 trường hợp tử vong.
BS.CK1 Huỳnh Thanh Tân - Phó Giám đốc CDC tỉnh cho biết, hoạt động điều trị HIV/AIDS được quan tâm, người mắc bệnh tiếp cận với các dịch vụ y tế khá thuận lợi.
Dù vậy, nguy cơ lây nhiễm rất cao và ngày càng khó kiểm soát buộc cộng đồng phải tập trung nhận diện nguy cơ để có thể kiểm soát dịch tốt nhất.
Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con phát hiện 13 trường hợp mẹ mang thai nhiễm HIV mới trong lúc chuyển dạ đẻ. Tất cả trường hợp đều được điều trị ARV và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng thuốc ARV, đạt 100%, (chỉ tiêu 90%).
“Thời gian gần đây tình hình lây nhiễm HIV qua đường tình dục đồng giới (MSM) có chiều hướng tăng cao và dự báo tăng hơn nữa trong thời gian tới nếu không thực hiện tốt các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm số người nhiễm mới và truyền thông kiến thức phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng” - Phó Giám đốc CDC tỉnh - Huỳnh Thanh Tân cho biết.
Chấm dứt dịch AIDS - thanh niên sẵn sàng
Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2022 với chủ đề “Chấm dứt dịch AIDS - thanh niên sẵn sàng”, năm nay Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh phối hợp với các cơ quan trên địa bàn TP Vĩnh Long tổ chức mít tinh, diễu hành tuyên truyền cho người dân, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên biết cách để phòng, chống HIV/AIDS.
Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghiện, chích ma túy và bị lây nhiễm HIV/AIDS, cùng với các giải pháp dự phòng lây nhiễm. Từ đó nâng cao nhận thức cho lực lượng trẻ, góp phần cùng chung tay đẩy lùi dịch HIV/AIDS.
Đối với thanh niên là học sinh, sinh viên, các địa phương đã phối hợp với các cấp bộ Đoàn tăng cường cung cấp thông tin về HIV/AIDS, giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn; tác hại của ma túy; cảnh báo nguy cơ lây nhiễm HIV ở giới trẻ thông qua các tiết ngoại khóa, các hội thảo, nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi viết về HIV/AIDS, lồng ghép trong các buổi mít tinh, các sự kiện truyền thông tại các trường học.
Tại Vĩnh Long, hoạt động điều trị HIV/AIDS được quan tâm, người mắc bệnh tiếp cận với các dịch vụ y tế khá thuận lợi. |
Em Nguyễn Huy Hoàng (sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long) nói: “HIV/AIDS rất nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa. Em xây dựng cho mình thói quen tốt, sống lành mạnh và tự trang bị kiến thức cơ bản về các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS.
Ngoài ra, mỗi sinh viên là một tuyên truyền viên tích cực cho gia đình, cộng đồng xã hội về tác hại và hậu quả do HIV/AIDS gây ra để mọi người cùng chung tay đẩy lùi dịch AIDS”.
Phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và ngày Thế giới phòng, chống AIDS năm 2022, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị lãnh đạo các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch ngắn hạn, dài hạn và đầu tư, phân bổ ngân sách bảo đảm tài chính cho công tác phòng chống HIV/AIDS. Đoàn thanh niên các cấp cần nâng cao nhận thức cho thanh niên về sự nguy hiểm của đại dịch HIV/AIDS.
Mỗi đoàn viên, thanh niên phải là một tuyên truyền viên tích cực về phòng chống HIV/AIDS. Mỗi tổ chức Đoàn phải có các sáng kiến, các mô hình phòng chống HIV/AIDS phù hợp, hiệu quả, thân thiện với thanh niên. Trong đó, chú ý nhóm thanh niên trong khu vực trường học, khu công nghiệp.
Đặc biệt, ngành y tế tiếp tục mở rộng độ bao phủ, nâng cao chất lượng và triển khai đồng bộ, toàn diện các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS theo chiến lược tiếp cận từ xét nghiệm, dự phòng đến điều trị HIV/AIDS.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ: Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đặt ra 3 mục tiêu 95 - 95 - 95 (95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế). Đến nay, mục tiêu thứ 3, chúng ta đã đạt được 96% nhưng mục tiêu số 1 và 2 mới lần lượt là 86% và 80%. Điều này cho thấy, công tác phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam còn nhiều việc cần làm để đạt được mục tiêu kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Dịch HIV rất có thể bùng phát trở lại nếu chúng ta chủ quan, thiếu quan tâm, không đầu tư thỏa đáng cho công cuộc phòng chống. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin