Cung cấp dưỡng chất giúp mau lành vết thương

Cập nhật, 06:13, Thứ Sáu, 04/11/2022 (GMT+7)

(VLO) Tôi đang có vết thương, nếu muốn vết thương mau lành và không để sẹo thì cần ăn uống như thế nào?

Nguyễn Thị Cẩm Linh (Xã Hòa Bình- Trà Ôn)

Trả lời: Để vết thương mau lành và không để lại sẹo cần chăm sóc tránh bị nhiễm trùng và tránh kích thích vùng bị tổn thương, đặc biệt là cung cấp dưỡng chất giúp mô tái tạo hoàn hảo.

Một số loại thực phẩm nên kiêng để vết thương mau lành như tôm, cua, cá biển, thịt bò, rau muống… Do những thực phẩm này dễ làm vết thương tấy lên, chảy nước và tạo mủ nhiều hơn.

Khi vết thương bị nhiễm trùng, mưng mủ chỉ cần kiêng thực phẩm mà người đang bị vết thương có tiền căn dị ứng tránh hiện tượng ngứa, viêm tại chỗ và tạo mủ nhiều hơn. Quá trình tái tạo mô để làm lành vết thương, cơ thể cần được cung cấp đủ các dưỡng chất sau:

Chất đạm (protein): là dưỡng chất có nhiều trong thịt, cá, tép, trứng, lươn… và các loại đậu. Đây là nguyên liệu chính để tạo các tế bào mới, các mô liên kết liên quan đến quá trình lành vết thương. Chú ý ăn các loại thực phẩm có liên quan đến quá trình tạo máu như sắt, acid folic, vitamin B12,…

Các chất này có nhiều trong các loại thịt, gan, huyết, trứng, sữa, các loại rau xanh đậm… Máu sẽ mang các nguyên liệu cần thiết như protein, vitamin, khoáng chất và oxygen đến mô đang bị tổn thương.

Các vitamin nhóm B, vitamin A, E có vai trò quan trọng trong việc tạo mô mới và mau lành vết thương. Vitamin C giúp tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại hiện tượng nhiễm trùng, mưng mủ.

Các loại rau lá có màu xanh đậm và quả tươi như đu đủ, thanh long, quít, cam, bưởi… có chứa nhiều các vitamin này. Kẽm và selen cũng giúp mau lành vết thương, chống nhiễm khuẩn có nhiều trong cá, thịt gia cầm, trứng, nghêu, sò, ốc, thận, gan, ngũ cốc,…

BS PHAN GIA HOÀNG

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)