Người dân cần chủ động phòng bệnh đậu mùa khỉ

06:10, 04/10/2022

Việt Nam đã ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh thông qua giám sát dịch tễ. Bộ Y tế đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.

(VLO) Việt Nam đã ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh thông qua giám sát dịch tễ. Bộ Y tế đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, giám sát tại các cơ sở khám chữa bệnh và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.

Để có thêm thông tin về dịch bệnh đậu mùa khỉ cũng như các biện pháp chủ động giám sát phòng chống, PV Báo Vĩnh Long có cuộc phỏng vấn TS. BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Sở Y tế.

TS.BS Hồ Thị Thu Hằng.
TS.BS Hồ Thị Thu Hằng.

PV: Xin bà cho biết ngành y tế Vĩnh Long có các giải pháp phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ như thế nào?

TS. BS Hồ Thị Thu Hằng: Bộ Y tế cho biết sau khi đánh giá việc lây nhiễm, khoanh vùng xử lý những người tiếp xúc gần ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên vừa được phát hiện tại Việt Nam cho thấy, khó có khả năng trường hợp này lây bệnh ra cộng đồng.

Song, hiện nay bệnh đậu mùa khỉ đã ghi nhận trên 106 quốc gia ngoài vùng lưu hành bệnh (châu Phi). Với tần suất mắc cao, địa bàn rộng, việc giao lưu đi lại không hạn chế thì nguy cơ lây lan bệnh tại Việt Nam luôn hiện hữu.

Trước tình hình này, ngành y tế tỉnh triển khai nhiều biện pháp thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ và các hướng dẫn của Bộ Y tế.

Qua đó, ngành tăng cường giám sát, chủ động phát hiện sớm các trường hợp đậu mùa khỉ để có biện pháp cách ly theo dõi, điều trị kịp thời; tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Truyền thông bằng nhiều hình thức tới người dân, cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp dự phòng dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, lưu ý khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh. Đồng thời, các cơ sở y tế cũng chuẩn bị cơ sở vật chất về thuốc trang thiết bị cũng như xét nghiệm.

PV: Thưa bà, bệnh đậu mùa khỉ có những biểu hiện, triệu chứng như thế nào và ảnh hưởng đến sức khỏe người mắc bệnh ra sao?

TS. BS Hồ Thị Thu Hằng: Theo Bộ Y tế, bệnh đậu mùa khỉ là bệnh lây truyền từ động vật sang người, việc lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh. Thời gian ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ thường từ 6-13 ngày, nhưng có thể dao động từ 5-21 ngày.

Biểu hiện triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương đồng như bệnh đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là sốt (trên 38,50 C), đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn. Bệnh có thể tự khỏi trong vòng 2-3 tuần.

Song, có 1 số trường hợp có biểu hiện nặng hơn như trẻ em, phụ nữ mang thai, người có suy giảm miễn dịch có thể mắc nặng hơn.

PV: Xin bác sĩ cho biết bệnh đậu mùa khỉ lây truyền như thế nào và các biện pháp phòng bệnh?

TS.BS Hồ Thị Thu Hằng: Bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan như COVID-19. Do COVID-19 có đường lây lan chính là hô hấp trên nên mức độ lây lan rất cao và dễ.

Bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan trong cộng đồng nếu không tiếp xúc trực tiếp da của người lành với da có bóng nước hoặc niêm mạc có bóng nước của người bệnh. Người bệnh phải tiếp xúc gần, cọ xát, da có trầy trợt và sang thương, quan hệ tình dục, tiếp xúc vật dụng của người nhiễm… từ đó dịch truyền cho người bệnh và gây bệnh.

Ngành Y tế khuyến cáo người dân không nên hoang mang và thực hiện tốt các giải pháp phòng bệnh. Người dân tránh tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.

Thường xuyên rửa tay sạch bằng xà bông và các dung dịch sát khuẩn thông thường. Che miệng khi ho, hắt hơi.

Ngoài ra, người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời; chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.

Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh, như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa vi rút đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh. Đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Lưu ý, khi thấy có các triệu chứng sốt cao, đau đầu, đau cơ, sung hạch, phát ban, người dân cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Người dân nếu về từ nơi có dịch hoặc tiếp xúc người nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ thì báo ngay với y tế địa phương để được hướng dẫn cụ thể.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ.

THÚY QUYÊN (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh