Chủ động ứng phó bệnh đậu mùa khỉ

04:10, 07/10/2022

Bệnh đậu mùa khỉ đã chính thức xâm nhập vào Việt Nam. Theo đánh giá của chuyên gia, khả năng lây lan và bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ rất thấp, không như dịch COVID-19, do đó người dân không nên quá lo lắng.

Cách phòng bệnh đậu mùa khỉ vẫn tương tự COVID-19: Rửa sạch tay, đeo khẩu trang, hạn chế nơi đông người.
Cách phòng bệnh đậu mùa khỉ vẫn tương tự COVID-19: Rửa sạch tay, đeo khẩu trang, hạn chế nơi đông người.

(VLO) Bệnh đậu mùa khỉ đã chính thức xâm nhập vào Việt Nam. Theo đánh giá của chuyên gia, khả năng lây lan và bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ rất thấp, không như dịch COVID-19, do đó người dân không nên quá lo lắng.

Ca đậu mùa khỉ của Việt Nam về từ Dubai

Ca bệnh đậu mùa khỉ vừa phát hiện là nữ, 35 tuổi. Bệnh nhân (BN) thường trú tại TP Hồ Chí Minh; khởi phát bệnh ngày 18/9 khi đang du lịch tại Dubai (từ tháng 7- 22/9/2022 về Việt Nam) với triệu chứng sốt kèm mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau đầu và ho, xuất hiện các nốt đỏ, ngứa trên cánh tay, thân mình và mặt.

Ngay sau khi về Việt Nam, ngày 23/9, BN đến khám tại Bệnh viện (BV) Từ Dũ và nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, được chuyển sang BV Da liễu TP Hồ Chí Minh. Tại đây, nghi ngờ BN mắc bệnh đậu mùa khỉ, nên được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán.

Ngày 25/9, BN có kết quả ban đầu dương tính với bệnh đậu mùa khỉ và được chuyển sang BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh để tiếp tục cách ly, điều trị và lấy mẫu giải trình tự gien tại Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Trường ĐH Oxford hợp tác với BV Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh.

Về nguồn lây, đây là trường hợp ở nước ngoài hơn 60 ngày, có triệu chứng ở nước ngoài, khi về Việt Nam đã mắc rồi. Đối với các trường hợp tiếp xúc (người trong gia đình, cán bộ y tế) được theo dõi, giám sát, đến nay những người này hơn 10 ngày không có biểu hiện mắc bệnh và sẽ được cách ly 21 ngày, hiện chưa phát hiện trường hợp nghi nhiễm.

GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, Bộ Y tế đã gửi văn bản yêu cầu TP Hồ Chí Minh huy động các nguồn lực rà soát, đánh giá. Trường hợp ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được giám sát chủ động.

Các trường hợp tiếp xúc gần với BN trên, ngay từ đầu đã được giao các viện, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khoanh vùng xử lý, nguồn lây từ nước ngoài là BN cũng đã được cách ly, điều trị. Vì vậy, rất khó có khả năng trường hợp này lây ra cộng đồng tại Việt Nam.

Khuyến cáo phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ hiện nay đã ghi nhận ở trên 106 nước ngoài vùng lưu hành bệnh (châu Phi). Với tần suất mắc cao, địa bàn rộng, việc giao lưu đi lại không hạn chế thì nguy cơ xâm nhập bệnh tại Việt Nam là hiện hữu.

Bệnh nhân bị bệnh đậu mùa khỉ bị sốt và nổi hạch toàn thân. Ảnh: Internet
Bệnh nhân bị bệnh đậu mùa khỉ bị sốt và nổi hạch toàn thân. Ảnh: Internet

Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở Y tế, bệnh đậu mùa khỉ có 3 đường lây nhiễm chính: Lây truyền từ động vật sang người; lây truyền từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần; lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang con hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.

“Người dân cần tuân thủ theo hướng dẫn của ngành y tế để phòng bệnh đậu mùa khỉ, không nên hoang mang. Ngoài việc các cơ sở y tế luôn phải nâng cao cảnh giác thì người dân nên chủ động phòng tránh nguy cơ thông qua việc đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà bông, không tiếp xúc hoặc hạn chế tiếp xúc với những người có nguy cơ.

Khi xuất hiện các triệu chứng như vết loét, nổi hạch, sốt… thì người dân và gia đình cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được kiểm tra kịp thời”- Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để hạn chế khả năng lây nhiễm, tất cả các trường hợp tiếp xúc gần cần phải điều tra để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị. Bên cạnh đó, cần tránh nhầm lẫn đậu mùa khỉ với các bệnh khác; không phải tất cả các trường hợp nổi hạch, sốt, phát ban… đều là bệnh đậu mùa khỉ, do đó nên sớm tới các cơ sở y tế để thăm khám.

PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - Trưởng Khoa Y tế công cộng Trường ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, cho rằng nếu có cảnh giác, khả năng lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ rất thấp và khác hẳn COVID-19. Đối với COVID-19, khi tiếp xúc có thể bị lây mà không biết nguồn lây là ai. Còn với đậu mùa khỉ, chắc chắn sẽ có các triệu chứng và biết được nguồn lây. Bên cạnh đó, với bệnh này, khả năng lây nhiễm khó hơn, biết được nguồn lây sẽ truy vết dễ hơn.

Bệnh đậu mùa khỉ do virus gây ra và tương tự như virus đậu mùa. Thời gian ủ bệnh từ 5 - 14 ngày, có triệu chứng toàn thân như sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, nổi hạch. Sau đó, cơ thể có phát ban chuyển thành mụn nước rồi trở thành mụn mủ, kéo dài từ 1 - 2 tuần. Do đây là bệnh đậu mùa của động vật nên khả năng lây và trở nặng cũng như tử vong là thấp.

Phân biệt giữa bệnh đậu mùa khỉ và thủy đậu

Theo bác sĩ Vũ Thị Phương Thảo - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Da liễu (TP Hồ Chí Minh), việc nhận diện được các dấu hiệu bệnh kịp thời là hết sức quan trọng.

Điểm giống nhau giữa bệnh đậu mùa khỉ và thủy đậu đều là bệnh truyền nhiễm, cấp tính do virus, đều lây qua tiếp xúc giọt bắn hô hấp kích thước to, tiếp xúc dịch tiết sang thương, và lây gián tiếp qua tiếp xúc đồ vật của người nhiễm bệnh.

Một số điểm khác nhau về tổn thương da cần lưu ý như sau: Đậu mùa khỉ phát ban mụn nước, mụn mủ cùng thời điểm, diễn tiến chậm, xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, cơ quan sinh dục, hậu môn, có thể gặp ở niêm mạc mắt, miệng, để lại sẹo. Tổn thương thường lớn hơn thủy đậu. Đặc biệt, BN có sốt và nổi hạch toàn thân.

Thủy đậu cũng là phát ban nhưng các tổn thương xuất hiện thời gian khác nhau, diễn tiến nhanh, xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan ra khắp cơ thể, thường ít để lại sẹo. Tổn thương nhỏ hơn đậu mùa khỉ. BN có sốt, mệt mỏi.

MAI ANH

THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh