Từ bỏ thuốc lá để phòng ngừa ung thư dạ dày

05:09, 24/09/2022

Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư đường tiêu hóa thường gặp. Đây là một trong 5 bệnh ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam. Ung thư dạ dày được dự báo có xu hướng gia tăng và trẻ hóa.

(VLO) Ung thư dạ dày là một trong những bệnh ung thư đường tiêu hóa thường gặp. Đây là một trong 5 bệnh ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam. Ung thư dạ dày được dự báo có xu hướng gia tăng và trẻ hóa.

Đáng lưu ý, những nghiên cứu y khoa đã chỉ ra rằng, thuốc lá gây tác động tiêu cực đến dạ dày, đặc biệt là những người mắc các bệnh như viêm loét dạ dày, thậm chí ung thư dạ dày.

Nhiều người có thói quen ăn xong thì hút 1 điếu thuốc, nhưng họ lại không ý thức được rằng ngay sau khi ăn, dạ dày và ruột co bóp mạnh, tuần hoàn máu tăng nhanh, vì vậy hút 1 điếu thuốc lá vào thời điểm sau ăn sẽ khiến cơ thể hấp thu lượng độc tố gấp 10 lần.

Thuốc lá sản sinh ra chất nicotin, vốn được xem là kịch độc phá hủy hệ thần kinh và các bộ phận nội tạng khác. Đối với bệnh nhân mắc viêm loét dạ dày- tá tràng khi hút thuốc sẽ tăng khả năng nhiễm khuẩn HP.

Đáng nói, khuẩn HP phát triển mạnh hơn trong dạ dày khi hút thuốc, tăng phần trăm nguy cơ ung thư dạ dày, cực kỳ nguy hiểm. Do trong khói thuốc hít vào cơ thể sẽ khiến dạ dày sinh ra chất cortisol, chất này khiến chứng bệnh tăng nặng.

Ông N.V.L. (52 tuổi) có tiền sử viêm dạ dày, hút thuốc lá nhiều năm. Trước khi nhập viện tại Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ 1 tháng, ông xuất hiện đau bụng vùng trên rốn, ban đầu đau âm ỉ, về sau đau tăng, buồn nôn và nôn khan.

Sau khi các bác sĩ thăm khám và làm các xét nghiệm, cận lâm sàng, chẩn đoán ung thư dạ dày và chỉ định thực hiện phẫu thuật cắt bỏ dạ dày, vét hạch điều trị ung thư dạ dày.

Theo thống kê của Bộ Y tế, ung thư dạ dày ở nước ta đang có tỷ lệ cao với gần 18.000 ca mắc mới và gần 15.000 trường hợp tử vong mỗi năm.

Tại Bệnh viện K, ghi nhận trong 3 tháng trở lại đây trung bình mỗi tháng có khoảng 200 người bệnh chẩn đoán ung thư dạ dày vào viện. Độ tuổi mắc bệnh đang có xu hướng trẻ hóa, không ít trường hợp dưới 40 tuổi, thậm chí có bệnh nhân ngoài 20 tuổi đã mắc bệnh.

Một số người bệnh được phát hiện và điều trị sớm nên tỷ lệ khỏi bệnh cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn, nhiều trường hợp mắc ung thư dạ dày ở độ tuổi còn trẻ nhưng lại phát hiện bệnh muộn.

Việc phát hiện sớm ung thư dạ dày cách hiệu quả nhất là nội soi dạ dày. Cũng như nhiều loại ung thư khác, ung thư dạ dày là bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, chính vì vậy chìa khóa để ngăn ngừa căn bệnh này hiệu quả nhất đó là tầm soát ung thư định kỳ.

Theo các chuyên gia y tế, ngoài việc tầm soát sớm bệnh ung thư dạ dày, cần hạn chế ăn đồ ăn mặn cũng như các đồ ăn hun khói, nướng, chiên nhiều dầu mỡ, từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia và các chất kích thích. Tích cực bổ sung chất dinh dưỡng hợp lý, thức ăn chế biến từ các thực phẩm chứa nhiều vitamin A, B, C, E. Có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ. Khi bị nhiễm khuẩn HP dạ dày cần điều trị đúng phác đồ… để phòng tránh bệnh ung thư dạ dày.

Bài, ảnh: MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh