Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) tiếp tục diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh: ý thức của người dân trong việc phòng bệnh SXH là rất quan trọng. Các ban ngành, đoàn thể cùng với ngành y tế tuyên truyền để mỗi gia đình phải chủ động giám sát, phát hiện các ổ lăng quăng và thường xuyên vệ sinh trong nhà, môi trường xung quanh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh thăm hỏi sức khỏe bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. |
(VLO) Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết (SXH) tiếp tục diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh nhấn mạnh: ý thức của người dân trong việc phòng bệnh SXH là rất quan trọng. Các ban ngành, đoàn thể cùng với ngành y tế tuyên truyền để mỗi gia đình phải chủ động giám sát, phát hiện các ổ lăng quăng và thường xuyên vệ sinh trong nhà, môi trường xung quanh.
SXH tăng gấp 6,5 lần
Theo Sở Y tế, Vĩnh Long đã ghi nhận trên 2.150 trường hợp mắc SXH, tăng gấp 6,5 lần so với cùng kỳ năm trước và đã có 3 trường hợp tử vong. Trong đó, huyện Bình Tân và TX Bình Minh có số ca mắc tăng cao chiếm gần 1/3 số mắc SXH toàn tỉnh.
Điều đáng lo ngại là số ca nặng và chỉ định nhập viện tăng cao. Trong đó, nhiều trường hợp tự điều trị tại nhà, khi trở nặng mới nhập viện nên rất nguy hiểm.
Chăm con gái 12 tuổi bị SXH nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, anh Trần Văn Tuấn Em (thị trấn Tân Quới- Bình Tân) cho biết: “Con bị sốt cao, uống thuốc, chích thuốc cũng không hạ sốt, nên vô nhập viện ở Trung tâm Y tế huyện. Bác sĩ chẩn đoán bị SXH và có hiện tượng sốc, nguy hiểm nên chuyển qua Bệnh viện Nhi đồng.
Sau đó, bệnh diễn tiến nặng, con phải thở oxy và điều trị ở phòng hồi sức 4 ngày, cũng mừng là bệnh con đã giảm”.
Ngày 20/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh và đoàn công tác có buổi kiểm tra thực tế công tác phòng chống bệnh SXH tại huyện Bình Tân và TX Bình Minh.
Tại thị trấn Tân Quới, đoàn kiểm tra ghi nhận người dân vẫn còn chủ quan, lơ là với bệnh SXH. Đơn cử như xung quanh vài hộ ở khóm Thành Công, có rất nhiều vật chứa nước, gáo dừa chứa nước không được dọn dẹp, có lăng quăng.
Bà Nguyễn Thị Xê (71 tuổi) cho hay: “Khi biết trong xóm có vài ca SXH, gia đình tui có mua thêm bình xịt muỗi nhưng vẫn chưa kịp dọn mấy chai nhựa trước nhà”.
Theo BS.CK2 Nguyễn Hữu Phước- Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Bình Tân, tính đến nay, huyện ghi nhận 324 ca mắc SXH, tăng 14,5 lần cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, thị trấn Tân Quới cao nhất là 86 ca. “Địa hình nhiều sông rạch và người dân còn có thói quen trữ nước mưa; lu, khạp thiếu nắp đậy tạo nơi trú ẩn của lăng quăng, muỗi phát triển. Đồng thời, người dân còn lơ là, chủ quan với bệnh SXH”.
Người dân cần nâng cao ý thức
Trước tình hình bệnh SXH gia tăng, các địa phương cũng đã triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diện rộng diệt muỗi trưởng thành mang mầm bệnh và tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về các biện pháp phòng chống SXH.
Cử nhân điều dưỡng Phan Quốc Việt- Phó Trạm Y tế thị trấn Tân Quới cho biết: “Khi có ca mắc SXH, nhân viên y tế sẽ xuống nhà dân để phun xịt diệt muỗi; phun xịt diện rộng. Đồng thời, tuyên truyền người dân dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà thường xuyên; thả cá trong lu để diệt lăng quăng”.
Tại buổi họp kiểm tra, TTYT huyện Bình Tân và TX Bình Minh kiến nghị tỉnh và Sở Y tế trang bị thêm máy phun thuốc diệt muỗi và hóa chất diệt muỗi cho trung tâm và các trạm y tế; hỗ trợ tiền công cho người phun hóa chất xử lý ổ dịch SXH nhỏ và phun hóa chất diệt muỗi chủ động. Đồng thời, tăng mức phụ cấp cho nhân viên y tế cơ sở, đặc biệt trong lĩnh vực y tế dự phòng.
Để khống chế ca mắc, hạn chế ca chuyển nặng và tử vong do SXH, Phó Chủ tịch tỉnh- Nguyễn Thị Quyên Thanh lưu ý các TTYT chủ động sâu sát hơn công tác phòng, chống SXH.
Sở Y tế rà soát trang bị kịp thời các thiết bị phòng chống dịch; đảm bảo thuốc, dịch truyền và tổ chức thu dung điều trị hiệu quả bệnh SXH.
“Đặc biệt, phải tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh SXH. Trong đó, giải pháp quan trọng nhất là diệt lăng quăng, diệt muỗi tại chính nơi ở, nơi làm việc; phát quang bụi rậm, không để tồn tại những vật chứa có nguy cơ đọng nước.
Những điểm có nguy cơ cao cần được phân công tổ chức hoặc cá nhân chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra, xử lý triệt để các ổ dịch nhỏ không để phát sinh ca mắc và bùng phát thành dịch”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Đến nay, bệnh SXH chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng muỗi đốt.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh- Huỳnh Thanh Tân khuyến cáo, người dân cần dành 10- 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình sinh sống, làm việc. Từ trong nhà đến xung quanh, thu dọn, không để vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Lật úp các xô, gáo dừa, chai cũ không dùng đến, thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần,… Đậy kín lu, khạp chứa nước để tránh muỗi đẻ trứng. Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng. Sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt. Nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc SXH, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn, điều trị kịp thời. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin