Hút thuốc lá một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Trung bình, người hút thuốc lá tử vong sớm hơn 10 năm so với người không hút thuốc. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ung thư phổi... là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ.
Khoảng 80% bệnh nhân COPD nhập viện tại Bệnh viện Phổi có liên quan đến thuốc lá. Trong ảnh: Bác sĩ khám cho bệnh nhân N.V.B. (70 tuổi). |
(VLO) Hút thuốc lá một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Trung bình, người hút thuốc lá tử vong sớm hơn 10 năm so với người không hút thuốc. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ung thư phổi... là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ.
Thuốc lá… tàn phá phổi
Ho, khạc đàm, khó thở… là triệu chứng bệnh COPD. Đây là một bệnh lý được ví là “sát thủ vô hình” nguy hiểm gây tử vong cao thứ 3 sau bệnh mạch vành, ung thư, đột quỵ thì ít được quan tâm.
Ở Việt Nam, có trên 3 triệu người mắc COPD. Vậy khói thuốc có tác động như thế nào đối với bệnh COPD và những gánh nặng bệnh tật nào COPD đang gây ra với những người hút thuốc lá?
Những bệnh nhân mắc bệnh COPD đang điều trị tại Khoa Bệnh phổi- Dinh dưỡng, Bệnh viện Phổi Vĩnh Long phần lớn cũng do có thời gian dài hút thuốc lá.
Chú V.V.Đ. (52 tuổi) chỉ còn “da bọc xương” bởi thời gian nằm viện “ở các đợt cấp” còn thường hơn ở nhà. Từ người đàn ông hơn 60 ký, giờ chú tụt xuống còn hơn 40 ký. Chú Đ. cho biết: “Tui mần mướn, phụ hồ nên biết hút từ năm 13, 14 tuổi rồi.
Hút riết ghiền thiếu không được, ngày có khi hơn gói. Nằm viện, dù bác sĩ khuyên phải bỏ thuốc mà tui vẫn lén hút trong sân, trong toilet. Giờ ngồi không cũng mệt, đàm đóng nghẹt thở cũng mệt nên hổng làm gì được. Tui sợ chết lắm nên đã bỏ thuốc lá được từ tết đến giờ”.
Một trong những trường hợp rất thường gặp ở bệnh COPD là bị tràn khí màng phổi. Nằm giường kế bên, dù được hỗ trợ thở oxy, nhưng những khi mệt vì “đàm lên đóng nghẹt”,ông N.V.B. (70 tuổi, xã Hòa Hiệp- Tam Bình) được vợ vỗ lưng cho nhẹ đàm mới thở nổi.
Ông thở nặng: “Cũng do hút thuốc mấy chục năm nên khi bệnh dù đã điều trị bệnh hơn chục năm nên hễ mệt là tui vô viện nằm. Gần 7 năm nay, tui ở bệnh viện còn nhiều hơn ở nhà. Tui đã bỏ hút hơn 2 năm mà vẫn thở chưa khỏe, hối hận cũng muộn rồi. Con trai út thấy cha bệnh sợ quá nên cũng quyết tâm bỏ được thuốc”.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Phạm Văn Hoàng- Trưởng Khoa Bệnh phổi- Dinh dưỡng, có khoảng 80% bệnh nhân COPD nhập viện có liên quan đến thuốc lá.
Ở Việt Nam, nghiên cứu dịch tễ học cho thấy hơn 4% người trên 40 tuổi mắc COPD và con số này đang tiếp tục gia tăng do gánh nặng của thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường.
Các triệu chứng của COPD có thể xuất hiện 10 năm sau khi bắt đầu hút thuốc là ho, khạc đờm, khó thở dai dẳng và tiến triển nặng dần theo thời gian. Mức độ nguy cơ mắc COPD sẽ tăng lên cùng với số năm hút thuốc lá.
Khi bệnh nặng hơn có biểu hiện ho dai dẳng, ho khan hoặc ho có đờm, thường khạc đờm về buổi sáng, khó thở liên tục cả khi nghỉ ngơi.
Ở giai đoạn muộn, biến chứng suy hô hấp mạn tính như tím môi, tím đầu chi, thở nhanh, co kéo hõm ức, biểu hiện của suy tim phải (phù 2 chân, mắt lồi đỏ như mắt ếch, tiểu ít...).
Người mắc COPD thường kèm theo các bệnh như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đái tháo đường. COPD có thể chồng lấp với triệu chứng của các bệnh này và bỏ sót chẩn đoán. Do vậy, ngưng hút thuốc lá, giảm tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh như khói bếp than, khói, bụi để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Hơn 70% gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam do thuốc lá
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm.
Trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp.
Bộ Y tế vừa phối hợp với Trung ương Đoàn tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31/5) với chủ đề do Tổ chức Y tế thế giới phát động: “Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta”.
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế, Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, gửi thông điệp đến các cơ quan, tổ chức, đoàn thể tiếp tục tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá, kêu gọi những người hút thuốc bỏ thuốc lá.
Không hút thuốc, cai thuốc lá sớm là phương pháp hiệu quả giúp ngăn ngừa bệnh tật, giảm bớt gánh nặng bệnh không lây nhiễm mà hiện vẫn đang chiếm tới hơn 70% gánh nặng bệnh tật và tử vong tại Việt Nam, góp phần xây dựng môi trường trong lành cho mỗi người, cho từng gia đình và cho toàn xã hội.
Cũng tại buổi lễ, đại diện WHO cho biết sử dụng thuốc lá làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, là một trong những nguyên nhân gây biến đổi khí hậu và làm tăng mức độ ô nhiễm không khí. WHO kêu gọi mọi người hãy hành động để bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho mọi người và các thế hệ tương lai.
Theo đánh giá của Hội đồng các chuyên gia y tế công cộng được WHO triệu tập vào ngày 29/4/2020 cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc. Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin