"Thuốc lá - mối đe dọa môi trường của chúng ta"

05:05, 31/05/2022

Đó là chủ đề của mít tinh Hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến ngày 31/5 vừa được Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá tổ chức. Sự kiện nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của sử dụng thuốc lá tới môi trường và sức khỏe.

(VLO) Đó là chủ đề của mít tinh Hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến ngày 31/5 vừa được Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá tổ chức. Sự kiện nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của sử dụng thuốc lá tới môi trường và sức khỏe.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, việc sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, trong đó, có hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động. Khói thuốc lá chứa trên 7.000 hóa chất độc hại, trong đó có 69 chất là nguyên nhân gây ung thư.

Buổi lễ mít tinh vừa tuyên truyền vừa kêu gọi các cấp, các ngành, địa phương và mỗi người dân thực hiện tốt Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; tiếp tục thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại cộng đồng về Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, tác hại của thuốc lá với sức khỏe con người, từ đó nâng cao nhận thức của người dân trong các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá và bảo vệ môi trường.

Tại Việt Nam, với sự quan tâm, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ ngành, các tổ chức chính trị- xã hội, UBND cấp tỉnh, tăng cường nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc, xây dựng môi trường không khói thuốc, tổ chức công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá, kiểm tra giám sát... công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

So với năm 2015, năm 2020 tỷ lệ sử dụng thuốc lá chung giảm từ 22,5% xuống còn 21,7%. Tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% xuống 42,3%.

Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và trong nhà. Tỷ lệ hút thuốc trong học sinh 13-17 tuổi từ 5,36% năm 2013 xuống 2,78% năm 2019, đây là những kết quả rất đáng khích lệ.

MAI ANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh