Hiểu rõ về tái nhiễm COVID-19 khi có miễn dịch tự nhiên và đã tiêm vaccine

12:03, 12/03/2022

Sau khi mắc COVID-19 cơ thể sẽ sinh ra miễn dịch, song không phải miễn dịch nào cũng có tính bền vững vì luôn có sự suy giảm kháng thể trong máu, dẫn đến nguy cơ tái nhiễm với bất cứ ai.

(VLO) Sau khi mắc COVID-19 cơ thể sẽ sinh ra miễn dịch, song không phải miễn dịch nào cũng có tính bền vững vì luôn có sự suy giảm kháng thể trong máu, dẫn đến nguy cơ tái nhiễm với bất cứ ai.

Về lý thuyết, những người từng mắc COVID-19 sẽ có khả năng miễn dịch tự nhiên và trong giai đoạn phục hồi, hệ miễn dịch tích cực tiêu diệt tận gốc virus, tạo ra các kháng thể cần thiết để ngăn ngừa cơ thể khỏi bị tái nhiễm trong tương lai. 

Theo một nghiên cứu từng đăng trên Times of India, khả năng miễn dịch và phản ứng kháng thể có xu hướng giảm xuống sau một thời gian. Tuy nhiên, mức độ suy giảm vẫn chưa rõ ràng.

Những nghiên cứu trước đây cho thấy, khả năng miễn dịch tự nhiên vẫn ở mức cao nhất trong 3-5 tháng sau khi khỏi bệnh, rồi bắt đầu suy giảm. Khi đó, số lượng kháng thể ít dần, mức độ miễn dịch thấp khiến cơ thể có nguy cơ tái nhiễm.

Nhưng các biến thể virus đang trở nên “thông minh hơn” với khả năng vượt qua miễn dịch tự nhiên hay các kháng thể có được sau khi tiêm vaccine.

Nhiều chuyên gia đánh giá, biến thể Omicron đang được xem là nguyên nhân chính khiến tình trạng tái nhiễm COVID-19 gia tăng. Những người trước đây từng dương tính với biến thể Delta, nay tiếp tục bị lây nhiễm.

Người dân tự thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19. (Ảnh: NLĐ)
Người dân tự thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19. (Ảnh: NLĐ)

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, các trường hợp dương tính lại sau một thời gian từng mắc COVID-19, cần có nghiên cứu kỹ và cụ thể. Những trường hợp này cần có xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR.

“Phải có nghiên cứu để khẳng định, người bệnh tái nhiễm là do đã từng mắc COVID-19 nhưng cơ thể không sinh miễn dịch.

Người mắc dù có tiêm vaccine những cơ thể không tự sinh miễn dịch họ vẫn có thể mắc COVID-19 và sau đó có thể tái nhiễm.

Có những trường hợp, trong người còn sót lại những mảnh virus nên kết quả xét nghiệm dương tính và dễ hiểu nhầm là virus sống. Phải nghiên cứu xem những người tái nhiễm có khả năng lây lan virus sang người khác hay không.

Chúng ta cần phải có cơ sở nghiên cứu như vậy chứ không thể chỉ quan sát và thông tin qua truyền miệng…”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, cũng có người tái nhiễm virus SARS-CoV-2 do mắc phải chủng khác. Ví dụ, người từng mắc Delta có thể mắc thêm biến thể Omicron, song vẫn cần có nghiên cứu cụ thể với nhiều trường hợp mới có cơ sở chính xác.

Trong khi đó, khả năng miễn dịch có được từ vaccine hiệu quả trong vòng 6-9 tháng. Không giống khi nhiễm bệnh tự nhiên, vaccine hoạt động để tạo ra một phản ứng miễn dịch đồng nhất, có nghĩa là mọi người sẽ được bảo vệ như nhau.

Còn người từng mắc COVID-19 có thể tạo ra các phản ứng miễn dịch khác nhau, tùy thuộc, vào mức độ triệu chứng bệnh, nhẹ, trung bình hoặc nặng. 

Ngoài ra, miễn dịch tự nhiên cũng suy giảm dần nên cần tiêm vaccine để tăng cường khả năng chống lại COVID-19.

Các chuyên gia cảnh báo tình trạng, nhiều người chủ quan khi cho rằng đã từng mắc COVID-19 và đã tiêm đủ 3 mũi vaccine sẽ không bị tái nhiễm.

Các chuyên gia, bác sĩ điều trị nhắc lại khuyến cáo, sau khi mắc COVID-19 cơ thể sẽ sinh ra miễn dịch, song không phải miễn dịch nào cũng có tính bền vững vì luôn có sự suy giảm kháng thể trong máu.

Thống kê tại Mỹ cho thấy, có từ 7-23% người mắc COVID-19 bị tái nhiễm trong khoảng thời gian 70 ngày sau lần đầu nhiễm bệnh. Theo các thông kê này, tình trạng bệnh khi tái nhiễm sẽ nhẹ hơn do kháng thể vẫn còn.

BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương giải thích, sau khi khỏi COVID-19, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập virus SARS-CoV-2.

Mặc dù vậy, lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, bệnh nền... Nếu kháng thể không đủ mạnh, người khỏi bệnh chủ quan không tuân thủ 5K, khi tiếp xúc F0 mang biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm, như lần đầu tiên./.

Theo Thiên Bình/VOV.VN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh