Trẻ em mắc Covid-19 phần lớn diễn biến nhẹ nhàng, nhưng khi xuất hiện những dấu hiệu sau ở trẻ dưới 5 tuổi, hãy báo ngay với bác sĩ.
Trẻ em mắc Covid-19 phần lớn diễn biến nhẹ nhàng, nhưng khi xuất hiện những dấu hiệu sau ở trẻ dưới 5 tuổi, hãy báo ngay với bác sĩ.
Các chuyên gia cho biết, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng lên trong cả nước, tỉ lệ trẻ mắc bệnh cũng tăng lên.
Điều may mắn là ở trẻ em, phần lớn diễn biến nhẹ nhàng. Có 4% trẻ em mắc Covid-19 có thể trở nặng hoặc nguy kịch, thời gian nguy cơ thông thường là vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 8.
Trong "Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc Covid-19", Bộ Y tế hướng dẫn, trẻ xuất hiện triệu chứng nào sẽ dùng các thuốc điều trị triệu chứng đó.
Theo đó, khi mắc Covid-19 trẻ có thể sốt cao, ho, tiêu chảy, đau mỏi người... Lúc này, cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol theo cân nặng khi trẻ sốt trên 38,5 độ C, từ 4-6 tiếng dùng một lần, không quá 4 lần/ngày.
Các bác sĩ điều trị cho biết, trong đợt dịch này, rất nhiều trẻ bị sốt cao trên 39 độ. "Khi gọi điện tư vấn, câu đầu tiên các mẹ nói là con tôi sốt cao không hạ, phải làm sao. Nhưng khi hỏi kỹ, nhiều mẹ mới chỉ cho con uống hạ sốt và thụ động ngồi chờ thuốc ngấm. Lúc này, nên có các biện pháp hỗ trợ để trẻ hạ sốt nhanh hơn", một bác sĩ chia sẻ.
Hướng dẫn của Bệnh viện Nhi Trung ương khi trẻ mắc Covid-19 bị sốt, sốt cao. |
Theo đó, khi trẻ sốt, bên cạnh việc cho uống thuốc, hãy chườm nước ấm cho trẻ, nới lỏng quần áo, mặc đồ mỏng nhẹ, uống nhiều nước (nước lọc, nước oresol, trái cây...) để hỗ trợ hạ sốt, cân bằng điện giải.
Nếu trẻ có ho, hãy cho trẻ uống, ngậm thuốc ho (ưu tiên thuốc ho từ thảo mộc).
Bộ Y tế cũng hướng dẫn, phụ huynh, người chăm sóc trẻ em mắc Covid-19 chăm sóc tại nhà cần theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, mầu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa. Đối với trẻ trên 5 tuổi cần chú ý thêm các dấu hiệu đau ngực, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mất khứu giác, thính giác.
Với trẻ dưới 5 tuổi mắc Covid-19 theo dõi tại nhà, khi có bất kỳ một trong các dấu hiệu, triệu chứng bất thường sau, gia đình cần báo nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chữa bệnh:
1. Tinh thần: Trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật
2. Sốt cao liên tục >39 độ C và khó hạ thân nhiệt: Khi trẻ sốt cao, dùng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt + chườm/lau người bằng nước ấm nhưng khó hạ sốt, hoặc sốt không cải thiện sau 48h, hãy liên lạc với bác sĩ sớm nhất.
3. Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi:
- Trẻ < 02 tháng khi thở ≥ 60 lần/phút
- Trẻ từ 02 tháng đến < 12 tháng khi thở ≥ 50 lần/phút
- Trẻ từ 12 tháng đến < 05 tuổi khi thở ≥ 40 lần/phút
4. Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn...
5. Dấu hiệu mất nước: môi se, mắt trũng, khát nước, đái ít
6. Tím tái
7. SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2)
8. Nôn mọi thứ
9. Trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được
10. Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng
11. Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần cấp cứu
Bộ Y tế cũng lưu ý, khi trẻ mắc Covid-19, người lớn không nên xông cho trẻ, không tự ý dùng các thuốc kháng virus, thuốc kháng sinh, chống viêm... Bên cạnh đó, nếu trẻ có bệnh nền, vẫn cần duy trì thuốc theo đơn cho trẻ.
Hãy chuẩn bị cho trẻ những đồ ăn mềm, dễ tiêu, ấm nóng như sữa ấm, cháo, canh thịt... để giúp trẻ ngon miệng, bổ sung dinh dưỡng, nâng cao đề kháng.
Theo Tú Anh/Báo điện tử Dân trí
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin