Xử lý thế nào khi phát hiện ca nghi nhiễm COVID-19 trong trường học?

09:02, 20/02/2022

Cùng với nhiều tỉnh- thành trong cả nước, học sinh Vĩnh Long đang trở lại trường học trực tiếp. Làm gì để đảm bảo an toàn cho học sinh trước dịch bệnh cũng như xử lý trường hợp F0 để không phát sinh ổ dịch và lây chéo làm gián đoạn việc học tập? Phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc trao đổi với TS.BS. Hồ Thị Thu Hằng- Phó GĐ Sở Y tế Vĩnh Long xung quanh vấn đề này.

(VLO) Cùng với nhiều tỉnh- thành trong cả nước, học sinh Vĩnh Long đang trở lại trường học trực tiếp. Làm gì để đảm bảo an toàn cho học sinh trước dịch bệnh cũng như xử lý trường hợp F0 để không phát sinh ổ dịch và lây chéo làm gián đoạn việc học tập? Phóng viên Báo Vĩnh Long có cuộc trao đổi với TS.BS. Hồ Thị Thu Hằng- Phó GĐ Sở Y tế Vĩnh Long xung quanh vấn đề này.

* Thưa TS.BS. Hồ Thị Thu Hằng, hiện nay, học sinh nhiều khối lớp của tỉnh Vĩnh Long đã trở lại trường học tập. Sau gần 2 tuần học tập các trường đã ghi nhận các ca nhiễm COVID-19. Xin bác sĩ cho biết quy trình xử lý được thực hiện như thế nào?

- TS.BS. Hồ Thị Thu Hằng: Khi phát hiện ca nhiễm trong trường học thì vấn đề chính là làm sao chúng ta xác định ca nhiễm, rồi chúng ta xác định các ca tiếp xúc gần để chúng ta khoanh vùng cách ly kịp thời. Như vậy, khi có một trường hợp nghi ngờ như sốt, ho, khó thở thì đến khu cách ly của trường để lấy mẫu xét nghiệm.

Các em còn lại trong lớp thì ngồi yên đó, sau đó các bạn sẽ được xác định xem bạn nào F1. Việc xác định này qua lời khai của các em, tiếp xúc của các em, rồi qua camera của trường để tránh trường hợp chúng ta xác định F1 quá rộng, hoặc xác định không chính xác, không đầy đủ và việc nữa là xét nghiệm nhanh toàn bộ lớp học ở đó theo mẫu gộp.

Khi xác định được các trường hợp F1 thì chúng ta sẽ cho các trường hợp F1 và F0 theo dõi, cách ly điều trị tại nhà.

F1 này cũng sẽ có hai nhóm, F1 nguy cơ thấp và F1 nguy cơ cao. Trường hợp F1 nguy cơ thấp như các trường hợp đã tiêm đủ vắcxin, không có những yếu tố nguy cơ thì được theo dõi tại nhà trong vòng 7 ngày và được xét nghiệm đến ngày thứ 7 âm tính thì trở lại trường học.

Đối với trường hợp F1 xác định nguy cơ cao như là các em chưa tiêm vắcxin, bệnh nền, đái tháo đường, tăng huyết áp hoặc bịch suy thận hoặc những trường hợp các em điều trị chứng miễn dịch kéo dài, béo phì… thì các em sẽ được theo dõi điều trị tại nhà trong 14 ngày, xét nghiệm ngày thứ 7 và ngày thứ 14 nếu âm tính thì trở lại trường học.

Đối với trường hợp F0 đã xác định là không có những vấn đề cần phải thiệp về sinh thể, ví dụ như các em cảm thấy bình thường thì được về nhà theo dõi điều trị tại nhà trong vòng 7 ngày, sau đó sẽ xét nghiệm nếu âm tính thì có thể đến trường học lại. Còn những F0 có vấn đề về sức khỏe như là khó thở, đặc biệt đo SPO2 dưới 96% thì phải đến cơ sở y tế để điều trị.

Lớp học đó vẫn được tiếp tục học tập nếu như chúng ta đã xác định đầy đủ các trường hợp tiếp xúc gần và cũng đã làm test nhanh, khi làm test nhanh âm tính xong thì lớp học đó sẽ được di chuyển đến phòng cách ly kế bên rồi chúng ta sẽ xử lý môi trường ở lớp học đó và học sinh sẽ trở lại lớp học sau đó.

* Bác sĩ đánh giá như thế nào về công tác phòng chống dịch bệnh của các trường học, có đáp ứng các điều kiện để xử lý F0 theo đúng quy trình vừa nêu?

- TS. BS. Hồ Thị Thu Hằng: Chúng tôi thấy là ngành giáo dục cũng đã chuẩn bị chu đáo khi cho học sinh trở lại trường. Khi đến trường học thì các trường cũng đều có kế hoạch, quy trình xử lý khi có trường hợp F0; có hướng dẫn cho giáo viên cũng như học sinh để thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành y tế và như vậy chúng tôi thấy các trường cũng đã có chuẩn bị đầy đủ và cơ bản cho trẻ đến trường an toàn.

Khi kiểm tra, chúng tôi cũng có hướng dẫn cũng như nhắc nhở để trường xử lý và đến thời điểm này chúng ta nhận thấy các em có thể đến trường một cách an toàn nếu tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn theo quy định.

* Để đảm bảo an toàn khi đến trường cũng như khi có F0 trong trường học, bác sĩ có lời khuyên nào với giáo viên, học sinh và phụ huynh?

- TS.BS. Hồ Thị Thu Hằng: Khi phụ huynh đưa trẻ đến trường trước nhất chuẩn bị tâm lý cho trẻ, giữ gìn sức khỏe cho trẻ và làm sao để hướng dẫn cho trẻ khi ở nhà cũng như trên đường đi đến trường thật sự an toàn. Khi trẻ có vấn đề về sức khỏe hoặc bản thân phụ huynh, hoặc phụ huynh thấy rằng trẻ đã từng tiếp xúc gần trong thời gian 2 ngày trước đó thì không nên cho trẻ đến trường.

Đối với trẻ cũng vậy, chuẩn bị sẵn tâm lý, các bước để mình thực hiện kiểm soát dịch bệnh cho bản thân, cho bạn bè, cho trường lớp của mình. Giáo viên cũng sẽ theo dõi tình hình của lớp và cũng phải hướng dẫn tập huấn cho trẻ để nắm bắt các quy trình xử lý.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

CAO HUYỀN (thực hiện)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh