Trong bối cảnh trường học trên cả nước mở cửa trở lại, số trẻ mắc COVID-19 sẽ gia tăng. So với người lớn, khi trẻ nhiễm bệnh sẽ nhẹ hơn nhưng vẫn có trường hợp tử vong và gặp phải biến chứng nguy hiểm. Do đó, không thể chủ quan khi trẻ mắc COVID-19
Việc bảo đảm an toàn dịch bệnh ở trường học cho trẻ là rất quan trọng. |
(VLO) Trong bối cảnh trường học trên cả nước mở cửa trở lại, số trẻ mắc COVID-19 sẽ gia tăng. So với người lớn, khi trẻ nhiễm bệnh sẽ nhẹ hơn nhưng vẫn có trường hợp tử vong và gặp phải biến chứng nguy hiểm. Do đó, không thể chủ quan khi trẻ mắc COVID-19. Đó là nhận định của các đại biểu tại hội nghị trực tuyến tập huấn hướng dẫn xử trí, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 do Bộ Y tế vừa tổ chức.
19,2% bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam là trẻ em
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết sau gần 2 năm kể từ khi xuất hiện, đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch của nhiều quốc gia, kể cả các quốc gia phát triển, có nền y tế hiện đại.
Riêng đối với trẻ em, cứ mỗi 2 ca tử vong vì COVID-19 sẽ có một trẻ mất người chăm sóc. Số lượng lớn trẻ mồ côi sau khi cha mẹ qua đời vì COVID-19 là một trong những hậu quả của đại dịch. Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến quyền học tập của trẻ em.
Theo Bộ Y tế, tính từ đầu dịch đến nay, tỷ lệ mắc COVID-19 của trẻ dưới 18 tuổi ở Việt Nam là 19,2%, tương đương hơn 490.000 trẻ. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em thấp hơn người lớn, song vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ mắc COVID-19 có bệnh nền, thừa cân, béo phì...
“Mặc dù tử vong ở trẻ em thấp nhưng cũng không phải là không có tử vong. Hơn nữa, qua theo dõi cho thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu COVID-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của COVID-19).
Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, dù hiếm nhưng đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác. Với biến chủng Omicron, việc lây nhiễm sẽ có nguy cơ nhiều hơn ở nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19”- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, qua phân tích 2.478 ca mắc COVID-19 là trẻ em tại TP Hồ Chí Minh cho thấy có 165 ca trẻ ở mức độ nặng, nguy kịch, trong số này có 13,9% trẻ thừa cân, béo phì, 8,5% có bệnh đi kèm.
Theo TS. Nguyễn Trọng Khoa, rất may số tử vong ở trẻ em rất ít. Song, chúng ta phải làm sao bảo vệ nghiêm ngặt nhóm thừa cân béo phì, đang điều trị bệnh nền, mạn tính, những trẻ bị suy giảm miễn dịch bởi khi các nhóm này mắc COVID-19 thì khả năng nguy cơ tử vong cao hơn.
Kịch bản thích ứng linh hoạt và an toàn cho trẻ em
Chia sẻ thông tin tại hội nghị, từ thực tế điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 Vĩnh Long và tại Bệnh viện Nhi Trung ương, TS. bác sĩ Phan Hữu Phúc- Phó Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, dịch bệnh lây lan và tử vong ở người lớn cao nhưng tỷ lệ mắc ở trẻ em, đặc biệt mức độ nghiêm trọng và tử vong ở trẻ khá thấp trong 2 năm vừa qua.
Thời gian gần đây, khi có biến chủng mới, tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ em bắt đầu tăng. “Đã có một số trường hợp nặng và tử vong ở Bệnh viện Nhi Trung ương, những trẻ có nguy cơ cao thường tiến triển nặng cao hơn nhóm khác và một số biến chứng đáng lo ngại”- bác sĩ Hữu Phúc nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, khi các trường học mở cửa trở lại, việc bảo đảm an toàn dịch bệnh ở trường học cho trẻ là rất quan trọng.
Chính vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần sắp xếp nguồn nhân lực tại chỗ, nâng cao kỹ năng thực hành y khoa để bảo đảm công tác phòng dịch.
“Nếu không có các kịch bản phòng chống chi tiết, cụ thể khi có trường hợp học sinh nhiễm bệnh thì sẽ gây lúng túng cho các trường học cũng như lo lắng từ phụ huynh, xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã đề nghị các địa phương đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng cho trẻ để các em quay trở lại trường học an toàn”- Thứ trưởng nhấn mạnh.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia dịch tễ, trong bối cảnh mở cửa, thích ứng linh hoạt an toàn với dịch, số ca mắc trong cộng đồng sẽ còn cao, việc tiêm vắc xin cho trẻ là hết sức cần thiết, đặc biệt đối với trẻ 5-11 tuổi, để phòng chống dịch và đảm bảo sức khỏe cho nhóm lứa tuổi này khi các em mắc COVID-19.
Để giảm nguy cơ trẻ mắc COVID-19, các nhà trường phải tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT như vệ sinh trường học, phân luồng đón học sinh, nhắc nhở tuyên truyền các em thực hiện 5K, bố trí phòng cách ly tạm thời tại các trường…
Y tế cơ sở phải tăng cường tập huấn về chăm sóc, theo dõi, phân loại bệnh nhân COVID-19 trẻ em. Việc phân loại tình trạng bệnh của trẻ rất quan trọng, đặc biệt là kỹ năng chuyên môn phát hiện trẻ chuyển nặng để kịp thời chuyển đến viện.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị, ngành GD-ĐT tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn các trường xử trí tình huống xảy ra khi học sinh trở lại học tập trung, không để bị động, lúng túng, bất ngờ; đồng thời, phối hợp các cơ sở y tế trên địa bàn để xử lý, chăm sóc học sinh F0, F1.
PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu- Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho rằng, những ngày gần đây, số lượng trẻ mắc COVID-19 tăng lên. So với người lớn, trẻ mắc COVID-19 nhìn chung nhẹ hơn nhưng vẫn không nên chủ quan. Các yếu tố nguy cơ bệnh nặng ở trẻ, gồm: Trẻ đẻ non, cân nặng thấp; đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa, bất thường gien, béo phì; bệnh hô hấp mạn tính, hen phế quản; bệnh tim bẩm sinh; suy giảm miễn dịch bẩm sinh, mắc phải (HIV, điều trị corticoid kéo dài); bệnh thận mạn; ung thư, huyết học (bệnh hồng cầu hình liềm)… |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin