Số lượng người mắc COVID-19 giảm dần, song vấn đề đáng lo ngại khác, đó là nhiều người sau khi khỏi bệnh thì bị các triệu chứng hậu COVID-19.
Thực hiện 5K, tự ý thức phòng dịch cho bản thân và cộng đồng. Ảnh: CẨM HUỆ |
(VLO) Số lượng người mắc COVID-19 giảm dần, song vấn đề đáng lo ngại khác, đó là nhiều người sau khi khỏi bệnh thì bị các triệu chứng hậu COVID-19.
Hụt hơi vì “hậu COVID-19”
Tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi ghi nhận nhiều F0 đã khỏi bệnh đến khám, vì bị các triệu chứng hậu COVID-19.
Anh Hồ Văn Trí (48 tuổi, xã Trung Thành Đông- Vũng Liêm) mắc COVID-19 cách đây hơn 2 tháng. Khi mắc bệnh, anh không có nhiều triệu chứng, chỉ bị sốt nhẹ, mất vị giác và tự mua thuốc điều trị tại nhà. Song, khi khỏi bệnh, anh lại thấy mệt mỏi thường xuyên và khó thở.
"Tui cứ ho kéo dài, mua thuốc uống không thấy đỡ, nói chuyện thì giọng khàn, kháp; làm nặng chút là mệt thở bị hụt hơi. Giờ đi bộ cũng bị hụt hơi, sức khỏe thấy giảm nhiều nên vô đây khám. Bác sĩ cho tui đi xét nghiệm lại máu và chụp XQ kiểm tra phổi và điều trị các triệu chứng hậu COVID-19”- anh Trí nói.
Đáng chú ý, không chỉ người lớn tuổi mà ngay cả người trẻ cũng gặp phải những triệu chứng hậu COVID-19. Chị Lê Quỳnh Như (Phường 5- TP Vĩnh Long) mới khỏi COVID-19 gần 2 tháng.
Trong khi mắc bệnh, chị cho biết chỉ có vài triệu chứng nhẹ, tự tin uống thuốc điều trị tại nhà và rất khỏe nhưng sau khi khỏi, chị lại mệt, ho nhiều. “Sức khỏe cảm nhận giảm 30%. Nó ảnh hưởng cả cuộc sống, đi làm và ảnh hưởng cả sinh hoạt của mình.
Nói vài câu cũng bị hụt hơi. Đang dịch bệnh mà mình cứ mắc ho hoài. Có khi nửa đêm dậy cũng ho”, chị Như cho hay.
Còn em Đỗ Văn Duy (sinh viên) cho biết: “Ai bảo mắc COVID-19 cũng thường thôi thì nên xem lại. Đừng vì thấy đa số bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng mà chủ quan vì di chứng hậu COVID cũng rất lo.
Em thanh niên phơi phới mà sau khi khỏi F0 được thời gian ngắn em thấy mệt. Đi học leo cầu thang chút là em thở bị hụt hơi, ngực lâu lâu bị lói, ho nữa”.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Minh Đức- Phó Khoa Khám bệnh- BVĐK tỉnh, số người đến thăm khám, điều trị các triệu chứng hậu COVID-19 đang tăng, từ gần 20 ca mỗi ngày có khi tăng đến 30 ca.
“Hơn 80% bệnh nhân (BN) đến khám có vấn đề về hô hấp, nặng ngực, thở hụt hơi, mệt và sức khỏe giảm hơn trước.
Ngoài ra, bệnh có thể gặp ở một số người như giảm tập trung, dễ xúc động, khó ngủ; giảm trí nhớ, mệt mỏi không lý giải được. Đáng lo ngại, có những trường hợp gặp phải di chứng nặng, thậm chí phải nhập viện điều trị”- bác sĩ Minh Đức cho biết.
Lưu ý sức khỏe hậu COVID-19
Trong phòng bệnh nặng tại Khoa Nội tổng hợp- BVĐK tỉnh, có nhiều BN mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh tiếp tục nhập viện điều trị phải hỗ trợ thở oxy vì các di chứng hậu COVID-19.
“Từ khi mắc F0 ngày 9/1 đến nay, âm tính xong chuyển về bệnh viện tỉnh mà vợ tui vẫn thở oxy suốt vì bị suy hô hấp nặng. Do vợ bị bệnh nền thiếu máu cơ tim, khớp nặng nên chưa chích ngừa, ai dè mắc F0 hết rồi mà bệnh vẫn còn nặng”- chú Trần Như Khương (phường Cái Vồn- TX Bình Minh) cho biết.
Người dân được bác sĩ cho tầm soát sức khỏe hậu COVID-19. |
Tính đến nay, cả nước đã có hơn 2,2 triệu người mắc COVID-19 được chữa khỏi. Mặc dù đa số BN có thể hồi phục hoàn toàn sau khi khỏi bệnh, nhưng vẫn còn rất nhiều người bị các di chứng hậu COVID-19 kéo dài. Điều này khiến cho nhiều người không thể trở lại cuộc sống bình thường sau khi nhiễm bệnh.
Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Văn Hạnh Phúc- Trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc- BVĐK tỉnh, các BN hậu COVID liên quan đến phổi và hô hấp có thể gặp ở tất cả các đối tượng, đặc biệt ở những BN gặp phải tình trạng suy hô hấp trong thời gian bị COVID-19 phải thở oxy, thở máy… có các tổn thương phổi hoặc các BN trên 65 tuổi có bệnh lý nền.
Do đó, nếu gặp các triệu chứng của hội chứng hậu COVID-19, người bệnh không nên quá lo lắng, hãy đến các cơ sở y tế để được khám và hướng dẫn điều trị phù hợp.
“Trị khỏi COVID-19 không phải là xong. Chúng tôi vẫn yêu cầu người bệnh sau khi xuất viện cần tiếp tục theo dõi sức khỏe, giữ tinh thần lạc quan, dinh dưỡng hợp lý; kiên trì tập thở và các bài tập phục hồi chức năng; vận động và thể dục - thể thao sớm, vừa sức, mỗi ngày tăng từng chút để đẩy lùi các vấn đề sức khỏe hậu COVID-19”- bác sĩ Hạnh Phúc chia sẻ.
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Hữu Khanh- Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, nếu sau khi khỏi COVID-19, người không có triệu chứng hoặc vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường thì không phải đi khám.
Bởi sau một trận ốm lớn, dài ngày, hoặc hậu sinh đẻ thì xuất hiện tình trạng mệt mỏi kéo dài, ho, sốt, đau nhức người, rụng tóc... rất thường gặp, không nghiêm trọng. Cơ thể sẽ tự điều chỉnh và phục hồi về mức bình thường.
Những người hậu COVID-19 khi khó thở cần bình tĩnh và kiên trì tập thở, chủ động tăng cường dinh dưỡng, tránh nguy cơ mắc các bệnh lý khác.
Trường hợp bị mất mùi nên tập ngửi bằng các loại tinh dầu hoặc vỏ cam, vỏ chanh có mùi hương. Người bị rụng tóc cần bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, nhất là kẽm, B Complex. Mệt mỏi thì nên cố gắng ngủ đủ giấc, điều độ, nghỉ ngơi hợp lý...
Người bị ho cần kiểm tra những tác động từ thời tiết, bệnh lý hen suyễn, cảm cúm để loại trừ nguyên nhân do hậu COVID-19. Người có biểu hiện đau nhức xương khớp, cơ thể nên sử dụng thuốc xoa bóp, uống giảm đau, tăng cường tập luyện vận động, làm việc nhà nhẹ nhàng. Chỉ nên đi khám hậu COVID-19 khi đã tăng cường nhiều giải pháp nhưng biểu hiện bệnh vẫn kéo dài.
Cho đến nay, tại Việt Nam vẫn chưa có thống kê ghi nhận đầy đủ về tình trạng hậu COVID-19 trên cộng đồng. Song, theo các nghiên cứu trên thế giới cho thấy: 33-76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 ít nhất sau 6 tháng sau đợt cấp tính bệnh; 20% phải tái nhập viện. |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin