Làm sao để nhận biết được bệnh nhân bị đột quỵ?

11:10, 19/10/2021

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Ở các bệnh viện lớn, số ca đột quỵ tăng gấp 3-4 lần so với 5-10 năm trước đây.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Ở các bệnh viện lớn, số ca đột quỵ tăng gấp 3-4 lần so với 5-10 năm trước đây.

Việc phát hiện sớm các trường hợp đột quỵ sẽ giảm bớt được gánh nặng cho cho cả bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Hiện nay tỉ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tại Việt Nam đang có xu hướng tăng, trung bình khoảng 2% mỗi năm.

Nguyên nhân gây ra đột quỵ?

Theo TS. BS Nguyễn Bá Thắng - trưởng Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết đột quỵ là bệnh lý liên quan trực tiếp đến mạch máu não, gián đoạn việc cấp máu, làm não ngưng hoạt động, từ đó các chức năng do não điều khiển cũng sẽ ngưng hoạt động.

Trong đó các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ như như người có các bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch và những rối loạn về mỡ trong máu, bệnh tim, thừa cân, béo phì, người có thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, ít vận động… là các yếu tố nguy cơ của đột quỵ.

Bên cạnh đó, tuổi tác cũng yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ, tuổi càng cao thì nguy cơ đột quỵ càng lớn.

Tuổi tác cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ, tuổi càng cao thì nguy cơ đột quỵ càng lớn.
Tuổi tác cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ, tuổi càng cao thì nguy cơ đột quỵ càng lớn.

 BS. CK2 Lê Trần Vinh – trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện TP Thủ Đức – cho biết đột quỵ là căn bệnh gây tử vong đứng hàng thứ ba và để lại nhiều di chứng gây nên tàn tật.

Đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và ngày càng được trẻ hóa. Có nhiều yếu tố nguy cơ gây đột quỵ nhưng nguyên nhân gây đột quỵ não thường được xuất phát từ các yếu tố sau: huyết áp cao, bệnh tim (nhịp tim), bệnh tiểu đường, thừa cơ béo phì, hút thuốc lá, … và yếu tố di truyền.

"Thời gian vàng là yếu tố quyết định trong việc điều trị đột quỵ. Tỷ lệ thành công và tỷ lệ phục hồi phụ thuộc nhiều vào việc bệnh nhân được điều trị trong khung thời gian vàng. Do vậy việc cấp cứu cho bệnh nhân bị đột quỵ càng sớm càng tốt", bác sĩ Vinh nói.

Bác sĩ Thắng cũng cho biết thêm để phòng ngừa đột quỵ, cần giữ lối sống lành mạnh, thường xuyên vận động, thể dục, thể thao; chế độ ăn hợp lý, tăng cường rau xanh, giảm mỡ béo, đường bột; bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia…

Nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các yếu tố nguy cơ, từ đó có biện pháp can thiệp kịp thời để phòng ngừa đột quỵ hiệu quả.

Các dấu hiệu nhận biết đột quỵ

Theo TS.BS Thắng, nếu nhận biết được các dấu hiệu của đột quỵ và cấp cứu trong "thời gian vàng", người bệnh có cơ hội phục hồi. Ngược lại sẽ gây ra hậu quả nặng nề với sức khỏe.

Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh sẽ trở thành người tàn tật, không còn khả năng tự chăm sóc bản thân, là gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Nghiên cứu cho thấy, chỉ có 25-30% người bệnh sau đột quỵ tự đi lại, phục vụ bản thân; 20-25% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hàng ngày; 15-25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác.

Để phát hiện sớm cơn đột quỵ, cần dựa vào những dấu hiệu ban đầu (hay còn gọi là quy tắc FAST) sau đây:

F - Face (mặt): Người bệnh có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi người bệnh cười mở miệng lớn.

A - Arm (cánh tay): Người bệnh cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt một bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu người bệnh giơ hai tay lên và giữ lại cùng một lúc.

S - Speech (nói chuyện): Người bệnh khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường, hoặc không hiểu lời nói.

T - Time (thời gian): tranh thủ tối đa thời gian đưa người bệnh đến bệnh viện hoặc gọi xe cứu thương để được cấp cứu kịp thời.

Hiện nay, điều trị đột quỵ tập trung vào điều trị cấp cứu. Dựa trên các phương pháp chẩn đoán, các bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Có hai cách để cấp cứu và thông mạch máu. Thứ nhất là dùng thuốc làm tan cục máu, phương pháp này chỉ dùng trong 4-5 giờ đầu kể từ khi người bệnh có triệu chứng đầu tiên.

Thứ hai là dùng dụng cụ để thông mạch máu, thời gian "cửa sổ" để áp dụng là 6 giờ sau khi xảy ra đột quỵ. Do đó, người bệnh cần được đưa đến cấp cứu trong thời gian sớm nhất để kịp thời can thiệp.

Người bệnh cần được đưa đến cấp cứu trong thời gian sớm nhất để kịp thời can thiệp- Ảnh: Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM)
Người bệnh cần được đưa đến cấp cứu trong thời gian sớm nhất để kịp thời can thiệp- Ảnh: Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM)

 Bác sĩ Vinh cho biết thêm, có 2 phương pháp điều trị tắc/nhồi mạch máu não đó là dùng thuốc tiêu sợi huyết (tiêu cục huyết khối) thường được áp dụng với các trường hợp trong khung giờ vàng (3-4.5 giờ) sau khởi phát đột quỵ.

Phương pháp thứ hai là kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ trong vòng 6 giờ. Tùy thuộc vào thời gian, kết quả cận lâm sàng và tình trạng của bệnh nhân để quyết định sử dụng phương pháp phù hợp.

Bác sĩ khuyến cáo 3 đến 4 giờ đầu sau đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi cao. Với những người có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp... nếu thấy những dấu hiệu trên thì gia đình chủ động gọi cấp cứu hoặc đưa đến bệnh viện sớm.

Theo THU HIẾN/Báo điện tử Tuổi trẻ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh