Số ca mắc COVID-19 tăng đột biến được ghi nhận trên khắp châu Á trong vài tuần qua.
Một số lượng lớn các ca mắc COVID-19 được ghi nhận tại Hồng Kông (Trung Quốc) và Singapore, hai trong số những thành phố lớn nhất châu Á. Các cơ quan y tế tại Hồng Kông và Singapore, Trung Quốc và Thái Lan đã kêu gọi mọi người tiêm vắc-xin tăng cường mới.
![]() |
Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hồng Kông (Trung Quốc) kêu gọi người dân tiêm thêm liều vắc-xin COVID-19 tăng cường. Ảnh: hk01 |
Bộ Y tế Singapore cho biết: "Mặc dù số ca mắc COVID-19 tăng có thể là do các yếu tố bao gồm khả năng miễn dịch của cộng đồng đang suy yếu nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy các biến thể đang lưu hành dễ lây lan hơn - hoặc gây ra các ca bệnh nghiêm trọng hơn - so với trong thời kỳ đại dịch".
Kênh NDTV đưa tin nhiều ca bệnh mới cũng được ghi nhận tại Ấn Độ. Theo đó, bang Maharashtra nơi có TP Mumbai - thủ phủ tài chính của Ấn Độ - có mức tăng đột biến từ 12 lên 56 ca mắc COVID-19 trong một tuần.
Hiện tại, Ấn Độ có 257 ca mắc COVID-19, trong đó các bang Kerala, Maharashtra và Tamil Nadu ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất.
Các quan chức y tế nói với hãng thông tấn PTI: "Ấn Độ hiện có 257 ca và đang theo dõi tình hình với sự cảnh giác cao hơn. Theo thông tin sơ bộ, các ca mắc COVID-19 đa số ở mức độ nhẹ, không nghiêm trọng hoặc tử vong bất thường".
Có biến thể mới không?
Biến thể JN.1 và các biến thể liên quan thuộc họ Omicron được cho là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19 trên khắp châu Á.
Theo các cơ quan y tế Singapore, các biến thể mới, LF.7 và NB.1.8, là biến thể "con cháu" của biến thể JN.1, đang lưu hành nhanh chóng.
Chủng JN.1 vốn là hậu duệ của chủng Omicron BA.2.86 (một biến thể phụ của Omicron).
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại chủng JN.1 là "biến thể đáng quan tâm" chứ chưa phải là "biến thể đáng lo ngại". WHO cho rằng rủi ro sức khỏe cộng đồng toàn cầu do JN.1 gây ra là thấp.
Các dấu hiệu và triệu chứng của biến thể JN.1
Hầu hết người nhiễm JN.1 thường có các triệu chứng nhẹ ở đường hô hấp trên. Những bộ phận như mũi, hầu, họng, xoang và thanh quản được tính là đường hô hấp trên.
Các triệu chứng phổ biến bao gồm: sốt, chảy mũi, đau họng, đau đầu, mệt mỏi cực độ, yếu cơ, kiệt sức và một số vấn đề tiêu hóa nhẹ.
Trong một số trường hợp, có thể kèm theo chán ăn và buồn nôn kéo dài.
Những triệu chứng này thường nhẹ và cải thiện sau khoảng 4-5 ngày.
Trước tình hình ca bệnh tăng nhanh, cơ quan chức năng các nước đang theo dõi chặt chẽ. Người dân được khuyến cáo rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang và tuân thủ các biện pháp phòng dịch để bảo đảm an toàn.
Theo Huệ Bình/NLĐO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin