Học giả quốc tế nói về "câu chuyện Việt Nam" và vai trò của ngoại giao

17:09, 24/04/2025

"Sự chuyển đổi mạnh mẽ của Việt Nam từ sau tiến trình đổi mới là ví dụ cho thấy, với việc tận dụng sức mạnh của cả dân tộc, các bạn có thể mở cửa nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo tự do độc lập và sự tự chủ của mình. Đó là câu chuyện của Việt Nam".

Thế trận “vừa đánh vừa đàm”

Từ Hội nghị Geneve năm 1954 đến Hiệp định Paris năm 1973, những thỏa thuận lịch sử trên bàn đàm phán đã tạo mở ra những cơ hội để Việt Nam giành độc lập, kết thúc chiến tranh, tiến tới thống nhất đất nước. 


Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, các học giả trong và ngoài nước, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay, ngoại giao Việt Nam càng phải phát huy hơn nữa vai trò của mình, góp phần cùng các nước thúc đẩy đối thoại và giải quyết tranh chấp, kiến tạo hòa bình trong bối cảnh mới.


Trao đổi bên lề Hội thảo khoa học quốc tế “50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hoà bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại”, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên khẳng định, ngoại giao có vai trò quan trọng trong việc kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình và thống nhất đất nước. Bởi, ngoại giao đã kết hợp với quân sự, chính trị, tạo ra thế trận “vừa đánh vừa đàm”, huy động sức mạnh tổng hợp của dân tộc.


Trong đó, đấu tranh quân sự và chính trị là cơ sở cho đàm phán trên mặt trận ngoại giao. Ngược lại, đấu tranh ngoại giao góp phần cộng hưởng thắng lợi và hỗ trợ cho các hoạt động đấu tranh chính trị và quân sự.
 

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (Ảnh: KT)
Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (Ảnh: KT)

Kế thừa tư tưởng ngoại giao “hòa hiếu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong chiến tranh, Việt Nam luôn bày tỏ mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước tham chiến, kể cả Mỹ, sẵn sàng “trải thảm đỏ” cho Mỹ rút quân. Đồng thời, tích cực thúc đẩy thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước tư bản phát triển, trong đó có Nhật Bản, Anh, Pháp, Italy, Canada, Bỉ, Hà Lan, Australia... Đây là những dấu mốc quan trọng trong việc mở rộng sự công nhận quốc tế đối với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, khẳng định vị thế chính nghĩa của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo nhà ngoại giao, Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh, một điểm nhấn quan trọng nữa là ngoại giao Việt Nam đã tranh thủ sức mạnh của "3 dòng thác cách mạng", huy động được sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa và mặt trận quốc tế rộng rãi ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam:

“Phải nhớ rằng, thập niên 60 là thập niên của quyền tự quyết trên thế giới. Lúc đó phong trào ủng hộ phong trào tự quyết của nhân dân Palestine rất mạnh mẽ, sôi động. Đó cũng là thập niên của Phong trào giải phóng dân tộc, đặc biệt là ở châu Phi. Đối với chúng ta bị Mỹ chiếm đóng thì đó cũng là phong trào giải phóng dân tộc. Cho nên, sự nghiệp ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh, ủng hộ Việt Nam giành lại độc lập và thống nhất đất nước là sự nghiệp hàng đầu, rất chính nghĩa, được ủng hộ bới những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới cũng như ủng hộ quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc”, Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ.

Những viên gạch đầu tiên cho tiến trình hòa giải, hàn gắn

Với tinh thần hòa hiếu và nhân văn sâu sắc, trong thời chiến, ngoại giao Việt Nam đã không ngừng mở rộng quan hệ đối ngoại, đồng thời đặt những viên gạch đầu tiên cho tiến trình hòa giải, hàn gắn với các quốc gia từng tham chiến tại Việt Nam.
 

Bà Virginia Foote, Giám đốc Điều hành Bay Gobal Stategie, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam (Ảnh: TTXVN)
Bà Virginia Foote, Giám đốc Điều hành Bay Gobal Stategie, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam (Ảnh: TTXVN)

Bà Virginia Foote, Giám đốc Điều hành Bay Gobal Stategie, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam, một người bạn của Việt Nam - người đã nỗ lực xóa bỏ cấm vận của Hoa Kỳ với Việt Nam, người đóng góp to lớn vào tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt nam - Hoa Kỳ, cho rằng: “Tôi vẫn gọi sự kiện Đại thắng Mùa Xuân năm 1975 là “điểm bắt đầu của hòa bình".

Thực ra, ngay từ Hiệp định Paris năm 1973 cũng đã là điểm khởi đầu của hòa bình - khi các nhà đàm phán hai bên bàn về việc chấm dứt chiến tranh. Các nhà lãnh đạo trước đây của hai nước đã nỗ lực xóa bỏ hận thù- xây dựng một điểm khởi đầu mới giữa hai nước.

Các Thượng Nghị sỹ John Kerry và John McCain là những cựu chiến binh Mỹ đã cùng các cựu chiến binh Việt Nam đẩy mạnh hợp tác ngay từ những năm 1980. Nhờ những nỗ lực của cả hai nước, quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ ngày nay đã trở nên rất tốt đẹp”.

Mỗi quốc gia, dân tộc trên thế giới, dù lớn hay nhỏ, đều trải qua những thời khắc mang tính bước ngoặt, những ngã rẽ lịch sử quyết định vận mệnh và con đường phát triển riêng của mình. Đối với Việt Nam, Đại thắng Mùa xuân năm 1975 chính là một ngã rẽ lịch sử, giúp Việt Nam bước sang một trang mới, thống nhất và xây dựng, phát triển đất nước.

Đối với ông John McAuliff, Giám đốc Điều hành, Quỹ Hòa giải và Phát triển Hoa Kỳ, những nỗ lực kiến tạo hòa bình của Việt Nam trong lịch sử và chính sách đối ngoại rộng mở “làm bạn” với tất cả các nước hiện nay, là cơ sở để Việt Nam cùng các nước thúc đẩy đối thoại và giải quyết tranh chấp, với vai trò trung gian hòa giải - kiến tạo hòa bình trong môi trường địa chính trị mới.
 

Ông John McAuliff, Giám đốc Điều hành, Quỹ Hòa giải và Phát triển Hoa Kỳ (FRD).
Ông John McAuliff, Giám đốc Điều hành, Quỹ Hòa giải và Phát triển Hoa Kỳ (FRD).

“Tôi nghĩ giờ là thời điểm Việt Nam có vai trò chủ động hơn, có thể đóng vai trò dẫn dắt kết nối các quốc gia, không chỉ là hòa giải, mà là xây dựng niềm tin giữa các nước, đặc biệt là các nước đang có xung đột và bất đồng. Việt Nam có thể vận dụng kinh nghiệm của mình trong việc cùng Liên Hợp Quốc tham gia gìn giữ hòa bình tại các điểm nóng; giúp các nước đối thoại hóa giải xung đột.


Tôi cũng nghĩ sự chuyển đổi mạnh mẽ của Việt Nam từ sau tiến trình đổi mới là ví dụ cho thấy, với việc tận dụng sức mạnh của cả dân tộc, các bạn có thể mở cửa nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo tự do độc lập và sự tự chủ của mình. Đó là câu chuyện của Việt Nam”, ông John McAuliff nói.

Theo Lê Hoàng/VOV.VN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh