Động đất cùng một loạt dư chấn kéo dài ở ngoài khơi biển Java của Indonesia khiến hàng ngàn ngôi nhà bị hư hại, hơn 15.000 dân trên đảo Bawean thuộc tỉnh Đông Java chịu ảnh hưởng.
Động đất cùng một loạt dư chấn kéo dài ở ngoài khơi biển Java của Indonesia khiến hàng ngàn ngôi nhà bị hư hại, hơn 15.000 dân trên đảo Bawean thuộc tỉnh Đông Java chịu ảnh hưởng.
Hàng ngàn ngôi nhà trên đảo Bawean bị phá hủy vì động đất. (Ảnh: Kompas) |
Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) cho biết một trận động đất có độ lớn 6,5 đã xảy ra ngoài khơi biển Java hôm 22/3.
Tâm chấn động đất nằm ở độ sâu 10 km dưới đáy biển, chỉ cách đảo Bawean, thuộc huyện Gresik ở tỉnh Đông Java từ 30 đến 50 km.
Theo sau trận động đất này là hàng loạt trận động đất nhỏ và hơn 200 dư chấn khác, kéo dài đến tận ngày hôm nay (24/3). Sự rung lắc của dộng đất cảm nhận rõ rệt ở nhiều khu vực tại tỉnh Đông Java, gồm thủ phủ Surabaya.
Theo thống kê từ Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai tỉnh Đông Java (BPBD), tính đến ngày 24/3, mặc dù không gây thiệt hại về người song loạt động đất kèm dư chấn khiến ít nhất 4.300 ngôi nhà trên đảo Bawean bị phá hủy, trong đó có 78 trường học, 156 cơ sở thờ tự và bệnh viện trung tâm.
Hơn 15.700 người mất nhà cửa và phải sơ tán. Nhiều hộ dân, gồm hàng ngàn người già và trẻ em, buộc phải chuyển ra ngủ ngoài sân nhà, các cánh đồng và không gian thoáng đãng tại trường học, công sở… để phòng ngừa dư chấn.
Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai tỉnh Đông Java đang nỗ lực điều động các tàu thuyền cùng lực lượng cứu hộ của quân đội quốc gia (TNI), cảnh sát quốc gia (Polri) nhằm phân phối hàng cứu trợ gồm lều bạt, chăn nệm, đồ ăn sẵn, nước khoáng sạch… tới người dân trên đảo Bawean. Đảo Bawean cách cảng gần nhất Gresik ở tỉnh Đông Java khoảng 120 km đến 130 km.
Nếu dùng thuyền cao tốc, phải mất 3 đến 4 tiếng để tiếp cận đảo Bawean, trong khi sử dụng phà phải mất 8 đến 9 tiếng.
Cơ quan BMKG cho biết loạt động đất và dư chấn vừa xảy ra là động đất ở lớp vỏ nông, do các đứt gãy chuyển động trượt ngang ở biển Java gây ra. Theo các nhà khoa học, tâm chấn động đất càng nông càng nguy hiểm.
Ngày 24/3, người đứng đầu Trung tâm Sóng thần và Động đất của BMKG, ông Rahmat Triyono, cũng đã cảnh báo người dân trên đảo Sumatra, đặc biệt là Tây Sumatra, thận trọng trước khả năng vết đứt gãy Sumatra có thể gây động đất bắt nguồn từ đất liền, tuy không mạnh nhưng vẫn có sức tàn phá.
Nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương – nơi các mảng kiến tạo địa chất va chạm, Indonesia thường xuyên hứng chịu các trận động đất, sóng thần.
Năm 2004, thảm họa “kép” động đất, sóng thần đã xảy ra ở tỉnh Aceh trên đảo Sumatra khiến hơn 180.000 người dân Indonesia thiệt mạng. Đây được coi là thảm họa tự nhiên tang thương nhất trong lịch sử Indonesia.
Theo Võ Giang/VOV