Trong bài viết đăng ngày 1/1, trang mạng Equilibrium Global của Argentina nhận định, trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" đã mang lại cho Việt Nam vai trò ngày càng lớn trên trường quốc tế.
Trong bài viết đăng ngày 1/1, trang mạng Equilibrium Global của Argentina nhận định, trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" đã mang lại cho Việt Nam vai trò ngày càng lớn trên trường quốc tế.
Bài viết nêu rõ, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, đối ngoại luôn giữ vai trò vô cùng quan trọng, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Theo Equilibrium Global, trường phái ngoại giao "cây tre Việt Nam" cho thấy sự cân bằng chiến lược trong mối quan hệ với các nước lớn và với thế giới, dựa trên nguyên tắc cốt lõi là lợi ích dân tộc, độc lập, tự chủ trong quan hệ đối ngoại, những nguyên tắc đã ăn sâu vào tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tạo nền tảng cho đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu chọn tham gia nhiều tổ chức quốc tế. Những hoạt động sôi nổi của Việt Nam tại nhiều cơ quan thuộc Liên hợp quốc đã thể hiện đầy đủ vị thế, vai trò và đóng góp ngày càng tích cực và chủ động của Việt Nam thúc đẩy hợp tác quốc tế trên phạm vi toàn cầu.
Việt Nam đang ngày càng khẳng định là đối tác đáng tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm trong tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn TTXVN, Giáo sư Furuta Motoo, Hiệu trưởng Trường đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhấn mạnh rằng nền công nghiệp văn hóa vững mạnh góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực.
Theo Giáo sư Furuta, tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam là một nét đặc trưng được thế giới ghi nhận. Con người Việt Nam có tinh thần cởi mở, tích cực tiếp thu những yếu tố tốt đẹp trong văn hóa của thế giới. Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đồng thời phát huy bản sắc dân tộc.
Giáo sư Nhật Bản cho rằng, một nước dù có nền văn hóa giàu bản sắc nhưng nền kinh tế kém phát triển thì khó có thể duy trì được nền văn hóa đó.
Nhưng là nước phát triển, giàu có về mặt kinh tế nhưng nếu con người không cảm thấy thỏa mãn về mặt tinh thần thì xã hội sẽ bất ổn. Từ góc độ này, Giáo sư Furuta nhận định, việc Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045, coi trọng yếu tố văn hóa là điều tất yếu.
Trong quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Nhật Bản, Giáo sư Furuta đánh giá cao định hướng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác văn hóa. Ông tin rằng, việc xây dựng mối quan hệ "đối tác bình đẳng" giữa Nhật Bản và Việt Nam là rất quan trọng.
Theo Báo điện tử Nhân dân