Tại cuộc họp có sự tham dự của đại diện Myanmar, các ngoại trưởng khu vực ủng hộ một giải pháp do "Myanmar làm chủ và dẫn đầu" để chấm dứt khủng hoảng.
Tại cuộc họp có sự tham dự của đại diện Myanmar, các ngoại trưởng khu vực ủng hộ một giải pháp do "Myanmar làm chủ và dẫn đầu" để chấm dứt khủng hoảng.
Đại diện Myanmar tham dự cuộc họp ngoại trưởng ASEAN ngày 29/1 tại Luang Prabang, Lào - Ảnh: AFP |
Ngày 29/1, ngoại trưởng các nước ASEAN tiếp tục kêu gọi chấm dứt cuộc khủng hoảng đẫm máu ở Myanmar, đồng thời nhất trí ủng hộ kế hoạch hòa bình của ASEAN và một "giải pháp do Myanmar làm chủ và dẫn đầu".
Các bộ trưởng của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tham dự cuộc họp tại Luang Prabang, Lào, nước giữ chức chủ tịch của khối trong năm nay.
Trong tuyên bố, các bộ trưởng cũng kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực ở Myanmar, để cho phép cung cấp viện trợ nhân đạo.
Myanmar đã cử một quan chức cấp cao tới cuộc họp, trong bối cảnh các tướng quân đội cầm quyền nước này vẫn bị cấm tham gia các cuộc họp quan trọng của ASEAN.
Đây là lần đầu tiên đại diện Myanmar có mặt tại cuộc họp cấp cao của ASEAN trong 2 năm qua, sau khi chính quyền quân sự nước này từ chối cử đại diện "phi chính trị" để dự thay. Quân đội Myanmar chỉ trích chính sách này của ASEAN là can thiệp công việc nội bộ nước này.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi xác nhận quyền thư ký thường trực của Bộ Ngoại giao Myanmar, Malar Than Htike, đã có mặt tại Lào để tham dự cuộc họp.
"Vấn đề là không có thay đổi nào trong chính sách của ASEAN. Myanmar sẽ không ảnh hưởng đến việc ra quyết định của ASEAN", bà Retno nói.
Năm ngoái, Indonesia đã dẫn đầu nỗ lực đằng sau hậu trường nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các bên ở Myanmar. Tuy nhiên, chính quyền quân sự Myanmar đã từ chối tham gia đối thoại với bên họ gọi là "những kẻ khủng bố".
Myanmar rơi vào khủng hoảng kể từ cuộc chính biến năm 2021, với ít nhất 2 triệu người phải di tản. Từ cuối năm ngoái, các lực lượng ủng hộ liên minh dân chủ và các nhóm dân tộc thiểu số đã tiến hành một cuộc nổi dậy chống lại chính quyền quân sự.
Ngoại trưởng Lào Saleumxay Kommasith hoan nghênh sự tham dự của Myanmar và hy vọng sẽ có tiến triển, mặc dù ông cũng cảnh báo không nên kỳ vọng cuộc khủng hoảng sẽ nhanh chóng kết thúc.
"Lần này chúng tôi cảm thấy khá lạc quan rằng sự tham gia của Myanmar có thể hiệu quả, mặc dù chúng tôi phải thừa nhận rằng những vấn đề đang xảy ra ở Myanmar sẽ không giải quyết được trong một sớm một chiều", Hãng tin AFP dẫn lời ông Kommasith nói.
Theo TRẦN PHƯƠNG/Báo điện tử Tuổi trẻ