Lực lượng Mỹ và Iraq hôm 27/1 đã tổ chức vòng đàm phán đầu tiên về tương lai của quân đội Mỹ và các nước khác tại Iraq. Sau gần 1 thập kỷ hiện diện tại Iraq để đối phó với tổ chức IS, liên quân do Mỹ dẫn đầu cuối cùng cũng đã tính đến kết thúc sứ mệnh tại quốc gia Trung Đông này.
Lực lượng Mỹ và Iraq hôm 27/1 đã tổ chức vòng đàm phán đầu tiên về tương lai của quân đội Mỹ và các nước khác tại Iraq. Sau gần 1 thập kỷ hiện diện tại Iraq để đối phó với tổ chức IS, liên quân do Mỹ dẫn đầu cuối cùng cũng đã tính đến kết thúc sứ mệnh tại quốc gia Trung Đông này.
Cuộc họp giữa Mỹ và Iraq được xem là tiền đề để liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu giảm dần sự hiện diện hoặc chấm dứt sứ mệnh sau gần 1 thập kỷ hiện diện tại quốc gia này, với sứ mệnh tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS.
Quân Mỹ tại Iraq. Ảnh: Anadolu. |
Chính phủ Iraq đã nhiều lần đề cập với Mỹ mong muốn kết thúc sứ mệnh của liên quân này.
Phát biểu với báo giới sau vòng đàm phán, Phó Thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ, bà Sabrina Singh xác nhận hai bên đang đàm phán về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Iraq: "Mối đe dọa từ IS đã thay đổi. Và có một số yếu tố mà nhóm làm việc sẽ xem xét. Một là làm thế nào chúng ta có thể đảm bảo sự thất bại lâu dài của IS. Tất nhiên các cuộc thảo luận cũng sẽ xem xét về quy mô quân đội của chúng tôi".
Về phần mình, Cố vấn đối ngoại của Thủ tướng Iraq, ông Farhad Alaaldin khẳng định: Iraq cam kết với các quốc gia tham gia liên quân quốc tế rằng sẽ đạt các thỏa thuận phục vụ lợi ích tốt nhất của Iraq và các nước này.
Hiện nay có khoảng 2.500 lính Mỹ đang được triển khai ở Iraq như một phần của liên minh quốc tế chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng hình thành năm 2014. Tuy nhiên, sau khi xung đột Israel và lực lượng Hamas nổ ra từ ngày 7/10 năm ngoái, lực lượng liên minh do Mỹ dẫn đầu ở Iraq và Syria đã phải đối mặt với các cuộc tấn công thường xuyên của các nhóm phiến quân.
Theo thống kê, từ giữa tháng 10/2023, đã xảy ra hơn 150 cuộc tấn công nhằm vào liên quân. Việc này dẫn đến các cuộc tấn công trả đũa của Mỹ kéo theo những lời phàn nàn của Iraq về hành động của Mỹ đối với lãnh thổ của họ.
Tình hình bất ổn đã khiến Thủ tướng Iraq Mohamed Shia al-Sudani mới đây đã phải lên tiếng kêu gọi liên minh do Mỹ dẫn đầu rời đi: "Sự hiện diện của liên quân là để đối phó với IS. Giờ tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã không còn đặt ra nguy cơ đối với an ninh của Iraq.
Vì vậy, việc kết thúc sứ mệnh của liên minh quốc tế là điều cần thiết cho an ninh và ổn định của Iraq. Việc duy trì mối quan hệ song phương mang tính xây dựng giữa Iraq và các nước trong liên minh quốc tế cũng là điều cần thiết."
Đây không phải lần đầu tiên chính phủ Iraq tuyên bố sẽ giải tán lực lượng Mỹ ở nước này. Vào tháng 1/2020, để đáp trả việc quân đội Mỹ sát hại chỉ huy quân sự cấp cao của Iran, ông Qassem Soleimani, quốc hội Iraq cũng đã bỏ phiếu về nghị quyết yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Iraq. Tuy nhiên, nghị quyết này chưa bao giờ được thực thi.
Liên minh quân sự quốc tế do Mỹ dẫn đầu được thành lập vào tháng 6/2014 dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama. Trong gần 10 năm qua, liên minh đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các lực lượng địa phương chống lại IS.
Theo thông kê vào tháng 3/2019, sau 5 năm ròng rã chiến đấu, liên minh đã phá hủy được phần lớn cơ sở hạ tầng của IS và đẩy IS ra khỏi các vùng lãnh thổ ở Iraq và Syria mà tổ chức này từng kiểm soát.
Tuy nhiên, dù đạt được nhiều mục tiêu nhưng liên quân do Mỹ dẫn đầu vẫn không thể tiêu diệt hoàn toàn IS do mạng lưới của tổ chức này bao phủ khắp nơi trên thế giới. Từ năm 2021, Mỹ và Iraq đã công bố kế hoạch chuyển sứ mệnh của liên quân sang vai trò cố vấn thuần túy.
Vào ngày 25/1 vừa qua, phía Mỹ thông báo đã nhất với Iraq về việc thành lập "các nhóm chuyên gia gồm các chuyên gia quân sự và quốc phòng", thuộc Ủy ban Quân sự cấp cao được thành lập theo thỏa thuận với Iraq.
Các nhóm này sẽ xem xét 3 yếu tố chính bao gồm mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xung, các yêu cầu về hoạt động và môi trường, cũng như mức độ năng lực của lực lượng an ninh Iraq.
Theo Hồng Nhung/VOV