Liên minh châu Âu (EU) hôm qua (22/1) đã thống nhất sẽ thành lập Phái bộ bảo vệ Biển Đỏ để đảm bảo an toàn, tự do hàng hải của các tàu thương mại của châu Âu và quốc tế đi qua Biển Đỏ. Phái bộ bảo vệ Biển Đỏ của châu Âu sẽ hoạt động độc lập và không tham gia Liên minh Biển Đỏ do Mỹ dẫn đầu.
Liên minh châu Âu (EU) hôm qua (22/1) đã thống nhất sẽ thành lập Phái bộ bảo vệ Biển Đỏ để đảm bảo an toàn, tự do hàng hải của các tàu thương mại của châu Âu và quốc tế đi qua Biển Đỏ. Phái bộ bảo vệ Biển Đỏ của châu Âu sẽ hoạt động độc lập và không tham gia Liên minh Biển Đỏ do Mỹ dẫn đầu.
Ngoại trưởng các nước thành viên EU đã thống nhất về nguyên tắc thành lập Phái bộ bảo vệ Biển Đỏ tại Hội nghị ngoại trưởng EU ngày 22/1 ở Brussels. Theo đó, EU sẽ cử ba tàu chiến mang cờ chung của cả khối tham gia tuần tra, hoạt động tại Biển Đỏ với nhiệm vụ ngăn chặn và bắn hạ các máy bay không người lái, tên lửa cũng như các nguy cơ khác để bảo vệ các tàu thương mại của EU và quốc tế đi qua vùng biển này.
(Ảnh minh họa: Le Monde) |
Một số quan chức ngoại giao EU giấu tên nhấn mạnh các tàu chiến của EU sẽ hoạt động độc lập với các tàu chiến của Mỹ và Anh, không tham gia vào Liên minh Biển Đỏ do Mỹ thành lập, không tham gia không kích lực lượng Houthi tại Yemen cũng như không phục vụ lợi ích của Israel.
Theo các nhà ngoại giao này, Bộ Tổng tham mưu EU đang bàn chi tiết về tổ chức thực tế và cho rằng thời hạn triển khai sớm nhất là vào tháng 2/2024.
Đối với EU, tuyến hàng hải qua Biển Đỏ được coi là ngắn nhất để đến châu Á và hiện 70% hàng hoá mà EU nhập khẩu từ châu Á là đi qua khu vực này. Một số quốc gia thành viên EU như Bỉ đã thông báo sẽ gửi một tàu khu trục nhỏ, trong khi Đức cho biết sẽ gửi tàu chiến sát cánh cùng các tàu của Pháp và Italy đã hiện diện tại Biển Đỏ.
Ý tưởng thành lập một phái bộ hải quân châu Âu chống cướp biển và bảo vệ tự do hàng hải tại Biển Đỏ và Ấn Độ Dương từng được đề cập trong nội bộ EU từ cuối năm 2023 nhưng đã bị đình trệ do vấp phải sự phản đối từ Tây Ban Nha do lo ngại phái bộ này hoạt động vì lợi ích của Israel.
Trước đó, kể từ năm 2020, khoảng 10 thành viên EU như Pháp, Italy, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan hay Hy Lạp… đã cử 40 tàu chiến thay nhau làm nhiệm vụ bảo vệ tự do hàng hải và ổn định tại khu vực Biển Đỏ ngay sau khi xảy ra các vụ tấn công, nhất là nhắm vào các tàu chở dầu tại vùng biển này trong năm 2019.
Theo Mạnh Hà/VOV-Paris