Ngày 7/11, mặc dù trời mưa cả ngày, nhưng nhiều người dân thành phố St. Petersburg vẫn tìm đến 2 địa điểm trong thành phố-nơi ghi lại những bằng chứng lịch sử của Cách mạng Tháng Mười Nga, đó là điện Smolny và Chiến hạm Rạng Đông.
Ngày 7/11, mặc dù trời mưa cả ngày, nhưng nhiều người dân thành phố St. Petersburg vẫn tìm đến 2 địa điểm trong thành phố-nơi ghi lại những bằng chứng lịch sử của Cách mạng Tháng Mười Nga, đó là điện Smolny và Chiến hạm Rạng Đông.
Mặc dù trời mưa rả rích nhưng nhiều người dân vẫn đội mưa đến tham quan Chiến hạm Rạng Đông neo đậu bên bờ sông Neva - nay đã là một Viện bảo tàng. Nơi đây lưu giữ những hình ảnh và hiện vật ghi lại dấu tích về sự tham gia của con tàu trong những thời khắc lịch sử của cuộc Cách mạng Tháng Mười.
Một số hình ảnh lưu giữ tại Bảo tàng Chiến hạm Rạng Đông- Ảnh: Thu Hà |
Với người dân Xô-Viết trước đây, người dân Nga và thành phố St. Petersburg ngày nay, Chiến hạm Rạng Đông là một đài kỷ niệm, biểu tượng của Cách mạng Tháng Mười.
Nhiều người đi cả gia đình, nhiều cặp vợ chồng mang theo cả con nhỏ, họ đến đây để tìm hiểu, để giới thiệu với con cái của họ về Con tàu lịch sử, vị trị và vai trò của con tàu trong lịch sử Cách mạng Tháng Mười Nga.
Vào thời điểm 21h45 ngày 25/10/1917, tức ngày 7/11 theo lịch hiện đại, tại con tàu này một phát súng lệnh đã được bắn ra từ khẩu pháo trước mũi của tuần dương hạm Rạng Đông.
Đây là hiệu lệnh cho cuộc tấn công vào Cung điện Mùa Đông, mở đầu cho thắng lợi của lực lượng công nhân vũ trang, chiến sĩ đồn trú tại Petrograd, các thủy thủ của Hạm đội Baltic chiếm được Cung điện Mùa Đông. Trong bảo tàng hiện trưng bày nhiều hình ảnh về các thế hệ Thuyền trưởng của con tàu, hình ảnh con tàu qua các giai đoạn, những phần thưởng cao quý mà con tàu nhận được như Huân chương Cờ đỏ, Huân chương Cách mạng Tháng Mười…
Bà Valentina Mikhailopna, một người dân thành phố St. Petersburg cho biết, mỗi khi chính quyền thành phố tổ chức một sự kiện để nhắc nhở về lịch sử rạng danh của Chiến hạm Rạng Đông, tất cả quá khứ lại trở lại, với những người dân St. Petersburg, với khách du lịch và những người có mặt tại sự kiện. Thật là một quá khứ hào hùng.
Phòng nghỉ của Lê-nin tại Điện Smolny (Ảnh: Thu Hà) |
Cùng với Chiến hạm Rạng Đông, nhiều người dân tìm đến điện Smôn-nưi. Tại địa danh lịch sử này, ngay trong đêm 7/11/2017, Đại hội Xô - Viết toàn Nga lần thứ II tuyên bố khai mạc và tuyên bố thành lập Chính quyền Xô viết do Lê-nin đứng đầu.
Các sắc lệnh đầu tiên của Chính quyền Xô Viết đã được thông qua tại đây như Sắc lệnh hòa bình, tuyên bố rút nước Nga ra khỏi Chiến tranh Thế giới thứ nhất, Sắc lệnh quốc hữu hóa ruộng đất của địa chủ, nhà thờ để chia cho nông dân… Ngày nay, nơi đây là trụ sở làm việc của chính quyền thành phố St. Petersburg.
Bà Natalia giới thiệu với Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi về một số hiện vật trong Điện Smolny - Ảnh: Thu Hà |
Bà Natalia, Trưởng phòng Hướng dẫn khách tham quan du lịch điện Smôn-nưi cho biết: "Điện Smolny đã đi vào lịch sử của thế kỷ thứ 20 của đất nước Xô Viết, Lê nin chỉ sống ở đây có 124 ngày.
Dù rất ngắn ngủi nhưng đó là thời gian rất quan trọng với đất nước Xô Viết, vì ở đây ông đã viết nên bản Dự thảo Sắc lệnh hòa bình, Sắc lệnh quốc hữu hóa ruộng đất. Sau khi thủ đô chuyển về Moscow, Lê nin chỉ quay lại đây có 2 lần. Nhưng nơi đây vẫn lưu giữ những kỷ niệm về ông trong suốt hơn 90 năm qua".
Những năm gần đây, thành phố St. Petersburg đang khoác lên mình những diện mạo mới, đời sống có nhiều đổi thay, nhưng với người dân nơi đây, cuộc Cách mạng Tháng Mười vẫn là một dấu ấn lịch sử không bao giờ phai mờ.
Trao Huân chương Hữu nghị cho Thống đốc tỉnh St. Peterburg
Ngày 7/11, đúng vào ngày Cách mạng Tháng Mười Nga, tại điện Smolny, trụ sở làm việc của chính quyền địa phương tỉnh St. Petersburg, Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi đã trao Huân chương Hữu nghị cho ông Alxander Beglov - Thống đốc tỉnh St. Petersburg.
Việc trao tặng Huân chương Hữu nghị cho ông Beglov là sự ghi nhận của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đối với những đóng góp và nỗ lực không ngừng nghỉ của Thống đốc tỉnh St. Petersburg vào sự duy trì và phát triển quan hệ giữa Saint Petersburg với Việt Nam nói riêng cũng như góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga nói chung.
Đại sứ Đặng Minh Khôi và ông Beglov cùng các đại biểu tham dự buổi lễ |
Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Đặng Minh Khôi nêu rõ: Sự phát triển sâu rộng, tích cực giữa Việt Nam và Saint Petersburg không thể không nhắc đến những nỗ lực chung của các cấp chính quyền trung ương và địa phương của cả hai nước, trong đó có sự đóng góp quan trọng của chính quyền thành phố Saint Petersburg và cá nhân Ngài Thống đốc.
Sự chủ động, tích cực và lòng nhiệt huyết của Ngài Beglov đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giữa Saint Petersburg với các địa phương của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế - thương mại, đầu tư, cho đến văn hóa, du lịch, giáo dục đào tạo...
Vinh dự được nhận Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam trao tặng, ông Alxander Beglov -Thống đốc tỉnh St. Petersburg xúc động gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; đồng thời khẳng định tấm Huân chương Hữu nghị này chính là biểu tượng cho tình hữu nghị bền chặt lâu đời giữa hai dân tộc, 2 đất nước Liên bang Nga và Việt Nam.
Theo Thu Hà/VOV